70 năm giải phóng Thủ đô

“Nóng” với tham nhũng phức tạp, tội phạm trẻ hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/10, báo cáo của các ngành Tòa án, VKS, Công an, Thanh tra Chính phủ đã được...

Kinhtedothi - Ngày 28/10, báo cáo của các ngành Tòa án, VKS, Công an, Thanh tra Chính phủ đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Trong đó, vấn đề tham nhũng ngày càng tinh vi, tội phạm trẻ hóa khiến các đại biểu (ĐB) lo ngại.

Tham nhũng “cực nghiêm trọng”

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: "Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến; đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay…".

Số liệu Thanh tra Chính phủ đưa ra cũng cho thấy, trong năm đã có 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng đã bị xử lý, trong đó 4 người bị xử lý hình sự. So với năm 2014, số đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng được thanh tra, xử lý tăng thêm 46 người, lên 172 đối tượng. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, đã kết luận điều tra 198 vụ; hiện đang điều tra 140 vụ…
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) phát biểu tại phiên họp.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết, trong năm đã có 23 người nộp lại quà tặng với số tiền 489 triệu đồng. Kết quả này có tăng, nhưng vẫn còn hình thức trong khi tình trạng tặng quà, biếu xén để vụ lợi diễn ra khá phổ biến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nêu băn khoăn: Trong khi đó, số lượng các vụ án tham nhũng, kể cả các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, xử lý lại giảm cần phải được đánh giá một cách thật khách quan. Đồng thời cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng điều tra thì tài sản thiệt hại khoảng 268,2 tỷ đồng, thu hồi được 43,9 tỷ đồng, chỉ đạt 16,3%.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) bức xúc trước thực trạng hầu hết mọi lĩnh vực đều có tham nhũng, tham nhũng cả chính sách cho hộ nghèo, chế độ với người có công. “Tham nhũng tinh vi nhất mà lâu nay ít đề cập, báo cáo của Chính phủ cũng chưa nói rõ chính là tham nhũng chính sách, chạy chọt để đưa chính sách hưởng lợi ích nhóm cá nhân. Trong khi đó, xử lý tham nhũng lại nhẹ, sợ rút dây động rừng, còn tình trạng người đứng đầu bao che cho cấp dưới” - ĐB nhận định và đề nghị:

Để chống tham nhũng, cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, và cả cấp phó để xảy ra tham nhũng trong cơ quan đơn vị mình. Quốc hội cần đẩy mạnh chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu mua sắm đầu tư công, nhất là điều động khen thưởng cán bộ, đồng thời làm sạch bộ máy công quyền kiểm toán, thanh tra.

Đưa ra con số thiệt hại do tham nhũng gây ra là hơn 900 tỷ đồng và gần 10.000m2 đất nhưng thu hồi chỉ đạt hơn 55%, ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) bình luận: Tài sản tham nhũng thu hồi thấp đó chính là điều cử tri coi rằng "hy sinh đời bố củng cố đời con". Và đề nghị, tỷ lệ thu hồi càng thấp thì án càng phải cao. Có như vậy mới bắt tội phạm tham nhũng nộp tài sản cho Nhà nước và chỉ được đặc xá khi trả cho Nhà nước hơn 60% tài sản bị thất thoát.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) chỉ rõ, "có loại tội phạm giảm thì được Nhân dân biểu dương đồng tình. Nhưng tội phạm tham nhũng giảm trong khi tham nhũng đang còn nghiêm trọng là lỗi của các cơ quan phòng chống tham nhũng”. Các ĐB cho rằng, cơ quan phòng chống tham nhũng chưa được cải thiện, phải tăng cường cơ quan này. Bởi phải đủ người mới đủ sức làm. Như vậy, công tác phòng chống tham nhũng mới đạt kết quả được.

Những điểm “không bình thường” đừng xem nhẹ

Trước thống kê của ngành công an về con số tội phạm trong năm 2015 và sau khi điểm lại những vụ án liên tiếp gây chấn động dư luận thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã nêu những đặc điểm không bình thường so với trước đây.  Đó là các vụ án có điểm chung thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, là những người bình thường, không phải băng nhóm xã hội đen. Đáng lưu ý nhiều vụ do những mâu thuẫn vụn vặt, bột phát nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác.

ĐB kiến nghị Quốc hội cần coi thực trạng này là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung Nghị quyết. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. Chính phủ cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các trung tâm tội phạm học của ngành công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp…

Trao đổi phóng viên bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nhận định: Tội phạm trẻ hóa nguyên nhân chính là do số người nghiện ma túy nhiều, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Thêm vào đó, công tác quản lý giáo dục con em của các gia đình, tổ chức, đoàn thể xã hội làm hời hợt, không đến nơi, đến chốn. Theo tôi, muốn làm giảm tội phạm có xu hướng trẻ hóa, nên cải tiến các quy trình, quy định đưa người đi cai nghiện sẽ giảm "đầu vào" của tội phạm. Mặt khác, phải nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt.
Ngày 28/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về thu hồi tài sản tham nhũng, ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Cần coi trọng việc phong tỏa tài khoản của người bị nghi tham nhũng ngay từ đầu, áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt để xem dòng tiền đó đi đâu. Còn nếu đấu tranh trực diện thì rất khó, kể cả những tài sản không giải trình, chứng minh được nguồn gốc thì cũng phải bị xem là tài sản bất hợp pháp để thu hồi. Trong Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định về giải trình nguồn gốc tài sản. Nhưng tôi muốn đưa vào Bộ Luật Hình sự tội làm giàu bất chính để có thể xử lý hình sự nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản.

Kiểm soát kê khai tài sản chỉ là một phương diện, quan trọng là phải kiểm soát được thu nhập của những người có chức vụ cao, chứ với cán bộ, công chức bình thường, việc kê khai chỉ mang tính hình thức, họ chỉ có thu nhập từ tiền lương chứ đâu có quyền quyết định cấp dự án, giấy phép... mà tham nhũng được. Kê khai rồi thì khi đi kiểm tra, xác minh phải sát thực tế, với những con người biết cách chống tham nhũng, độc lập và được trao quyền mạnh mẽ như Bao Công ngày xưa. (Trần Hà)