NSND Công Lý (ngoài cùng bên trái) nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. |
Căn cứ theo biên bản kiểm phiếu biểu quyết của Ban Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội về công tác cán bộ ngày 20/3 và Nghị quyết số 330-NQ/ĐU ngày 24/3/2020 của Đảng ủy Sở VH&TT Hà Nội quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Lý (tức nghệ sĩ Công Lý) giữ chức vụ Phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội kể từ ngày 1/4/2020. Thời gian bổ nhiệm kéo dài 5 năm.
Được biết, NSND Công Lý đã nhận quyết định này từ cuối tháng 3 vừa qua thế nhưng đến ngày 7/5 mới có công bố chính thức vì Nhà hát kịch Hà Nội tuân thủ Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội.
NSND Công Lý được Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động trao quyết định bổ nhiệm, dưới sự chứng kiến của Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội - NSND Trung Hiếu, các cán bộ trong ban Giám đốc và một số nghệ sĩ trực thuộc Nhà hát.
Tại buổi công bố bổ nhiệm, NSND Công Lý phát biểu: “Tôi cảm ơn sự tin tưởng của Ban Giám đốc Sở, Ban Giám đốc Nhà hát. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình, góp tài năng và sự cống hiến để giúp nhà hát được phát triển hơn nữa và được nâng lên tầm cao mới”.
NSND Công Lý phát biểu. |
Cũng trong ngày 7/5, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động công bố bổ nhiệm bà Trần Thị Hồng Nhạn làm Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Tại buổi trao quyết định, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội phát biểu: "Tôi rất xúc động vì hiện tại bộ máy quản lý của nhà hát đang được hoàn thiện dần. Giờ đây, Nhà hát đã có thêm 2 Phó Giám đốc; một Phó Giám đốc chuyên trách nghiệp vụ nghề nghiệp, một Phó Giám đốc đảm nhận các vấn đề hành chính. Tôi hy vọng Nhà hát sẽ phát triển hơn nữa, cũng như đời sống anh em nghệ sĩ trong nhà hát được quan tâm, đảm bảo theo đúng luật và đúng chủ trương của Nhà nước”.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội phát biểu. |
NSND Công Lý chia sẻ thêm: “Khi nhận được quyết định bổ nhiệm này tôi thực sự rất xúc động. Người đầu tiên tôi báo tin vui này đó là ba mẹ tôi, ông bà chúc mừng và hân hoan, khen tôi đã làm rất tốt công việc của mình tại Nhà hát. Chỉ ngần nấy lời thôi, đã đủ khiến tôi nghẹn ngào.
Cũng nhân dịp này, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến người truyền lửa, người thầy, người anh lớn NSND Hoàng Dũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều để có những bước đi đúng đắn trong sự nghiệp. Bên cạnh đó, phải kể đến hai người bạn thân là NSND Trung Hiếu - người giúp đỡ và hỗ trợ tôi trong các công việc tại nhà hát và đạo diễn Đỗ Thanh Hải - người tạo điều kiện cho tôi được tham gia những dự án phim ảnh và chương trình truyền hình phù hợp để có cơ hội được đến gần hơn với khán giả”.
NSND Công Lý tên đầy đủ là Nguyễn Công Lý, sinh năm 1973. Công Lý công tác tại Đoàn 2 - Nhà hát Kịch Hà Nội. Quá trình công tác tại nhà hát từ năm 1993, NSND Công Lý đã tham gia các vở kịch của Nhà hát như: Ông không phải là bố tôi, Vùng lạnh, Điệp khúc Vi-rút, Tiếng đàn Vùng Mê Thảo…
Các tác phẩm điện ảnh, truyền hình đã tham gia gồm: Khi đàn ông góa vợ bật khóc, Sống chung với mẹ chồng, Tình khúc bạch dương, Những cô gái trong thành phố, Hoa hồng trên ngực trái, Gặp nhau cuối năm. Trong đó, NSND Công Lý ngoài làm diễn viên, anh còn là phó đạo diễn bộ phim, phụ trách về mảng diễn xuất của các diễn viên tại hiện trường.
NSND Công Lý đã đạt các giải thưởng gồm: Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu Tú (năm 2011); Bằng khen "Diễn viên có nhiều đóng góp cho thành công chương trình" cho Chương trình "Gặp nhau cuối năm Táo quân" do Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng (năm 2013); Giải Bạc Vở "Ông không phải là bố tôi" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng (năm 2013); Huy chương Vàng dành cho vai diễn "Sừ" trong vở "Điệp khúc vi-rut" do Bộ VHTT&DL trao tặng năm 2015; Giải "Diễn viên kịch nói xuất sắc nhất" - Giải thưởng Sân khấu năm 2016 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng dành cho vai diễn Ông Gio trong vở "Vùng lạnh".
Phim "Chiều ngang qua phố cũ" giành giải "Phim truyền hình nước ngoài hay nhất" ở Liên hoan truyền hình quốc tế Tokyo lần thứ 11. Liên hoan phim truyền hình quốc tế Tokyo (International Drama Festival in Tokyo) là giải thưởng thường niên do Hiệp hội truyền hình Nhật Bản (JBA) và Đài truyền hình NHK tổ chức, lần đầu diễn ra hồi năm 2008.
Giải "Nam diễn viên phụ xuất sắc" vai Tuyền trong phim "Chiều ngang qua phố cũ" tại Lễ trao giải Cánh diều Vàng năm 2017; Huy chương vàng sân khấu kịch toàn quốc vở kịch “Vùng lạnh” do NSND Hoàng Dũng làm đạo diễn năm 2018; Nghệ sĩ Công Lý chính thức được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân 2019.
Nhà Hát Kịch Hà Nội ngày nay được thành lập năm 1959. Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Từ một đội kịch trong Đoàn văn công Nhân dân Thủ đô. Năm 1993, Đoàn kịch nói Hà Nội được chuyển thành Nhà hát Kịch Hà Nội. Với sự nỗ lực vượt bậc về biểu diễn, năm 2005, Nhà Hát đã được UBND TP Hà Nội quyết định nâng hạng thành Nhà Hát hạng I (Quyết định số 8574/QĐ-UB ngày 30/12/2005 của UBND TP Hà Nội về việc xếp hạng I cho Nhà hát Kịch Hà Nội).Thực hiện quyết định của Quốc Hội về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Tháng 4 năm 2009, Đoàn kịch nói Hà Tây sáp nhập với Nhà hát Kịch Hà Nội thành Nhà hát Kịch Hà Nội trực thuộc Sở VHTT&DL Hà Nội.Nhà hát Kịch Hà Nội có chức năng, nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật kịch nói; Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật kịch nói; Biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn phục vụ khán giả trong nước và ngoài nước góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ của người xem.Tổ chức bộ máy, nhân sự của Nhà Hát được xây dựng theo quyết định của UBND TP Hà Nội, của Bộ VHTT&DL đối với Nhà Hát hạng I, gồm có Ban Giám đốc, các phòng chức năng (Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Tổ chức biểu diễn, Phòng Nghệ thuật) và các Đoàn diễn viên (Đoàn diễn viên 1, Đoàn diễn viên 2, Đoàn diễn viên 3) với tổng số 109 cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động. |