Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NSND Đặng Thái Sơn: “Ma-ra-tông” với nhạc Beethoven

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ trước tới nay, mỗi khi lên sân khấu, NSND Đặng Thái Sơn thường độc tấu duy nhất một bản nhạc. Nhưng trong đợt biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 15 và 18/1, ông "phá lệ" chơi toàn bộ 5 bản concerto của Beethoven viết cho piano. "Đó là một cuộc chạy ma-ra-tông âm nhạc tốn sức lực, thời gian và trí tuệ nhất của tôi từ trước đến nay" - ông chia sẻ.

Sau 30 năm chờ đợi
 
Trước đây, mỗi khi nhắc đến Đặng Thái Sơn, người ta thường gắn tên ông với âm nhạc của Chopin. Nhưng thực ra, tham vọng của nghệ sĩ dương cầm này là chiếm lĩnh mọi phong cách biểu diễn khác nhau của các bậc thầy về dòng nhạc giao hưởng. 
 
Nếu nhạc của Chopin đậm chất lãng mạn, bay bổng thì Beethoven lại tôn thờ tính cổ điển. "Sự đối lập về phong cách sáng tác của hai thiên tài âm nhạc này thể hiện rất rõ và với tôi, đó là một thử thách thật sự" - NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ.
 
Đặng Thái Sơn quyết định chơi nhạc của Beethoven khi sự nghiệp âm nhạc của ông đang ở giai đoạn chín muồi. Ông không giấu là mình đã chờ đợi thời điểm này hơn 30 năm. Khi còn là sinh viên Nhạc viện âm nhạc Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn được thầy của mình là Vladimir Nathanson truyền lửa với âm nhạc của nhạc sĩ thiên tài người Đức.
 
NSND Đặng Thái Sơn: “Ma-ra-tông” với nhạc Beethoven - Ảnh 1
 
NSND Đặng Thái Sơn
 
 "Cả cuộc đời Beethoven là cuộc chiến đấu vượt lên số phận qua những đắng cay thử thách. Vì thế, âm nhạc của ông luôn hiểu lòng người, giống như cuốn bách khoa toàn thư chất chứa đủ mọi tâm trạng, có lãng mạn, có hóm hỉnh và có cả những bản anh hùng ca. Người ta thường tìm sự an ủi, đồng cảm trong âm nhạc của ông khi cuộc đời có nhiều bi thương, đau khổ" - Đặng Thái Sơn bày tỏ.
 
Đến với nhạc của Beethoven, NSND Đặng Thái Sơn đã vấp phải không ít "chướng ngại vật". Bởi lẽ, khi viết concerto cho piano, nhạc sĩ người Đức thường bỏ trống một số chi tiết trong khuông nhạc, nên nhìn vào đó giống như một "bản nhạc chết". Muốn nó "sống" lại thì không còn cách nào khác là người nghệ sĩ phải giải được những mật mã mà tác giả tạo dựng nên. Chính vì thế, ngoài kỹ năng chơi nhạc cụ âm nhạc điêu luyện, người nghệ sĩ còn phải trải đời và trải nghề.
 
Buổi biểu diễn hoành tráng nhất từ trước đến nay
 
Hai đêm nhạc Beethoven của NSND Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 15 và 18/1 nằm trong hành trình biểu diễn khởi đầu từ Brazil đến Nhật Bản, Việt Nam và kết thúc ở Nga. Lý giải về ý tưởng biểu diễn cùng một lúc 5 bản concerto của Beethoven, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cho biết: "Âm nhạc của Beethoven biến đổi theo từng nấc thang cuộc đời. Nhưng nếu chơi từng bản nhạc riêng lẻ thì người nghe khó có thể nhận ra điều đó, vì thế tôi quyết định chơi cùng một lúc 5 bản nhạc để người thưởng thức có thể hình dung một cách rõ ràng hành trình sáng tác của ông".
 
Thời trẻ, Beethoven viết 2 bản concerto 1 và 2 mang đậm chất cổ điển. Trong đó, bản concerto số 1 có giai điệu nhẹ nhàng, hào nhoáng pha những nghịch phách khác thường, đôi khi có nam tính, mang lại sự lạc quan.
 
Còn bản concerto số 2 lại có kỹ xảo điêu luyện với đoạn điệp khúc vui vẻ gợi lên những điệu dân vũ. Đến bản concerto số 3 có sự thay đổi rất lớn về phong cách sáng tác. Ở đây tính kịch được đẩy lên cao độ với những nút thắt và mở tạo nên sự hồi hộp, lo âu, hy vọng, hứng khởi… cho người nghe. Sang bản concerto 4, sự ngẫu hứng được đẩy lên tối đa, như là sự giải thoát khỏi mọi câu thúc về hình thức.
 
Bản concerto số 5 (bản concerto cuối cùng viết cho piano của Beethoven) lại ẩn chứa chất lãng mạn với những tiết tấu độc đáo, đầy phóng túng.Trung bình, mỗi bản nhạc có thời lượng khoảng 35 phút, thế nên bước vào cuộc "ma-ra-tông" này, NSND Đặng Thái Sơn đã nỗ lực hết mình để cống hiến cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc sang trọng, quý phái. Với 2 lần thử nghiệm ở Brazil và Nhật Bản, nghệ sĩ dương cầm đã thực sự tự tin để bước lên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm 15 và 18/1.