NSRP ổn định hoạt động nhờ Petrovietnam

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu vận hành ổn định, hiệu quả, bền vững, tuân thủ quy định, luật pháp hiện hành, các bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc NSRP do Petrovietnam đề xuất và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn...

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành chủ quản, với vai trò là một bên góp vốn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã quyết liệt đàm phán với các đối tác nước ngoài tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP gồm: Petrovietnam, Công ty Dầu khí quốc tế Cô Oét- KPE, Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản- IKC và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản- MCI) về chủ trương, nguyên tắc xây dựng phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP.

Với mục tiêu vận hành ổn định, hiệu quả, bền vững, tuân thủ quy định, luật pháp hiện hành, các bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc NSRP do Petrovietnam đề xuất và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn thông qua gia hạn cơ chế RPA và thanh toán sớm (Early Payment) hợp đồng FPOA để giúp NSRP cải thiện dòng tiền, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc.

Trước đó, liên quan đến một số thông tin về Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn do báo chí đưa tin trong thời gian gần đây, Petrovietnam đã phản hồi làm rõ để rộng đường dư luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

NSRP là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do 4 thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó Petrovietnam góp vốn 25,1%.

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Dự án) chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/11/2018 và đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang hoạt động tương đối ổn định, sản xuất và xuất bán các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Petrovietnam với vai trò nước chủ nhà, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo các cam kết, và đã liên tục có nhiều văn bản, ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, cải thiện công tác quản lý quản trị nhằm tăng hiệu quả hoạt động của NSRP.

Tuy nhiên, do dự án được đưa vào vận hành thương mại trong bối cảnh toàn thế giới có xu thế dịch chuyển nguồn năng lượng mạnh mẽ (năng lượng tái tạo, thay thế động cơ đốt trong bằng động cơ điện nên nhu cầu xăng dầu giảm), thị trường biến động bất lợi, biên lợi nhuận chế biến của ngành lọc dầu giảm mạnh và tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án.

Bên cạnh đó, công tác quản trị của NSRP do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập cũng đã góp phần vào các khó khăn về tài chính hiện nay của NSRP. Do đó, việc tái cấu trúc tổng thể NSRP là nhu cầu cần thiết và cấp bách. Petrovietnam đang trong giai đoạn đàm phán với các bên góp vốn nước ngoài về nội dung tái cấu trúc tổng thể NSRP.

Trong thời gian gần đây, có thông tin về việc NSRP phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1/2022 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bắt nguồn từ việc Petrovietnam chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) Hợp đồng FPOA.

Tuy nhiên, thực chất theo điều lệ công ty, Ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành nhà máy…

Việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP. Các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán.

Petrovietnam đã nỗ lực đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả công ty cũng như đảm bảo quyền lợi của Petrovietnam và phía Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần