Người mẹ nông thôn tần tảo
NSƯT Hoàng Yến đến với điện ảnh bắt đầu từ những vai diễn “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, đó là những vai lồng tiếng cho phim nước ngoài. Vai diễn “nổi tiếng” nhất mà bà từng diễn từ khi chưa được ai biết tên chính là vai cô gái Veronica trong bộ phim Nga “Khi đàn sếu bay qua”. Tình yêu với điện ảnh thôi thúc, bà đi học dự thính Lớp diễn viên điện ảnh khóa I, cùng lứa với “thế hệ vàng” của điện ảnh cách mạng Việt Nam như Trà Giang, Tuệ Minh, Phi Nga, Lâm Tới…
Bà được tham gia ngay từ những bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, với vai mẹ cô Thơ trong phim “Vườn cam” của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Năm ấy tuy chỉ mới 27 tuổi, Hoàng Yến đã được giao vai mẹ của diễn viên Thúy Vinh – người vào vai cô Thơ – khi ấy chỉ kém bà 8 tuổi. Vai diễn như một “điềm” báo cho sự nghiệp diễn xuất của bà, một sự nghiệp thầm lặng, hầu như chỉ vào vai phụ - những người bà, người mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó.
Là con gái phố cổ Hà Nội nhưng bà Hoàng Yến lại rất hợp vai những bà mẹ nơi tỉnh lẻ, thôn quê. Có lẽ bởi gương mặt đôn hậu, dáng vẻ hiền lành mà bà đã trở thành người mẹ màn ảnh đáng nhớ nhất đối với nhiều thế hệ khán giả. Chỉ cần bà khoác thêm tấm áo nâu, vấn thêm chiếc khăn mỏ quạ là có thể trở thành bà mẹ nông thôn với nỗi vất vả hằn trong khóe mắt như vai mẹ Kim Đồng (phim "Kim Đồng"), mẹ Xinh (phim "Cô giáo vùng cao"), mẹ Văn (phim "Người về đồng cói"), bà Đồ Uẩn (phim "Giông tố")… Vai bà Hiến - bà lão nông thôn tốt bụng và nhiệt tình trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”, bà cô Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, bà cố Hồng trong phim “Số đỏ” hay bà già trong phim “Bà già trúng số độc đắc” là những điểm xuyết thú vị cho thấy nội lực diễn xuất thâm hậu mà sắc nét của bà Hoàng Yến.
“Một cuộc đời đẹp đẽ!”
Vai diễn đáng nhớ nhất, thành công nhất và gần như trở thành biểu tượng cho hình ảnh người mẹ trên màn ảnh Việt chính là vai bà Vi trong phim truyền hình “Của để dành” (đạo diễn Đỗ Thanh Hải). Chỉ với vai diễn này, bà đã chinh phục được nhiều thế hệ khán giả. Với NSƯT Hoàng Yến, đó là vai diễn bà “không bao giờ quên trong cuộc đời này” bởi bà đã diễn bằng những cảm xúc chân thật nhất.
Có lẽ, bởi vẻ ngoài bình dị, hồn hậu mà dễ mến cùng diễn xuất tinh tế đã giúp bà khắc họa rất thành công hình ảnh những người bà, người mẹ hiền từ. Cùng với NSƯT Thu An, NSƯT Ngọc Thoa, bà Hoàng Yến được coi là một trong “ba bà mẹ hiền hậu nhất màn ảnh”. NSƯT Hoàng Yến và nụ cười đôn hậu của bà đã để lại dấu ấn đậm nét qua những vai diễn trên màn ảnh Việt. Nói như đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần thì “bà Hoàng Yến đã sống một cuộc đời đẹp đẽ!”.
Ấn tượng đẹp ấy còn là dư âm về sự chuyên nghiệp, chỉn chu của bà trong lòng các đồng nghiệp trẻ tuổi. Nếu như các đạo diễn cho rằng “giao vai diễn cho NSƯT Hoàng Yến rất yên tâm bởi bà chưa bao giờ sai hẹn, luôn đến sớm và đọc kịch bản rất kỹ” thì các diễn viên từng làm việc cùng bà lại ấn tượng bởi diễn xuất tự nhiên mà dung dị của bà luôn cuốn bạn diễn vào “mạch” diễn rất nhanh.
NSND Lan Hương xúc động khi kể về NSƯT Hoàng Yến trên trang cá nhân: “Bà là của để dành của điện ảnh, truyền hình Việt Nam... Với bà không có vai diễn nào là nhỏ. Dù vai ngắn hay dài, dù quay ở gần hay xa, vất vả tới đâu, bà cũng luôn làm việc với tâm thế của một nghệ sĩ lớn. Sự nhân hậu, khiêm nhường của bà khiến con luôn ngưỡng mộ và kính trọng. Là thế hệ vàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam nhưng khi có truyền hình, NSƯT Hoàng Yến đã gắn bó với phim truyền hình và cả kịch truyền hình ngay từ những ngày đầu tiên. Bà làm việc với đầy sự tôn trọng, nghiêm túc, chính điều đó đã khiến con học hỏi được rất nhiều. Với con, bà là một nhân cách nghệ sĩ lớn, một người mẹ rất Việt!”.
NSƯT Hoàng Yến đã qua đời lúc 16 giờ 15 chiều 4/7, hưởng thọ 88 tuổi. Dự kiến lễ tang của bà sẽ diễn ra từ 9 giờ - 10 giờ 45 ngày 9/7 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Lễ tang do gia đình và Hãng Phim truyện Việt Nam tổ chức. |