Người phụ nữ nghĩa tình, nhân ái
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Khương Đình, vùng ngoại thành của Hà Nội xưa, dẫu có khăn, vất vả, dẫu quanh năm với dưa, cà, mắm, muối, người dân nơi đây vẫn luôn chan hòa lòng nhân ái, nghĩa tình. Có lẽ bầu sữa văn hóa ấy của quê hương đã nhen nhóm và nuôi dưỡng trong tâm hồn bà lòng nhân ái, luôn hết lòng vì người khác, nhất là với những số phận kém may mắn trong xã hội.
Gương mặt phúc hậu, nụ cười tươi tắn, bà Tạ Thị Thanh cởi mở chia sẻ: “Mình khó khăn quá thì không nói làm gì. Nhưng mình có điều kiện một chút, hơn biết bao người có hoàn cảnh khó khăn mà đứng ngoài cuộc thì thật đáng trách. Những khách trọ của tôi và bao lao động nhập cư nơi đây đều khổ. Vì vậy, giúp được gì cho họ tôi rất sẵn lòng”.
Nằm giữa lòng Thủ đô nhộn nhịp và xô bồ, con ngõ 509 Vũ Tông Phan nơi bà Thanh và gia đình đang sinh sống là nơi tập trung rất đông lao động nhập cư từ các tỉnh, thành về đây. Điều đáng nói, chủ yếu những người lao động ở đây đều làm các công việc chân tay như làm nghề buôn bán đồng nát, hàng rong, chạy xe ôm, chở hàng với nguồn thu nhập bấp bênh.
Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, bà Thanh thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ họ trong cuộc sống, công việc. Ngoài mấy phòng trọ lớn, gia đình bà có gần chục phòng cấp bốn cho thuê khá cũ với giá chỉ 1 triệu đồng/tháng. Bà Thanh chia sẻ: “Nói thật với anh giờ mấy ai ở Hà Nội đi ở nhà thuê 1 triệu/tháng. Phải khó khăn lắm họ mới ở nhà của mình. Họ khó khăn đến vậy rồi, mình không giúp họ thì còn giúp ai nữa?”.
Nghĩ là làm, bà Thanh thường xuyên miễn giảm tiền nhà cho các khách thuê trọ. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn cho nhiều gia đình vì mất việc làm, gia đình bà có 8 phòng cho thuê trọ và bà đã giảm 100% tiền thuê phòng trong 2 tháng, mỗi phòng 1,5 triệu đồng tổng số tiền giảm là 24 triệu đồng.
Từ ngày 24/7/2021, TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của các gia đình lao động ngoại tỉnh về thuê trọ để sinh sống, bà đã tiếp tục giảm giá 10 phòng cho thuê trong 2 tháng 7, 8/2021, số tiền 20 triệu đồng.
Ai rồi cũng sẽ làm giống như tôi
Là Hội viên Chi hội phụ nữ 8, bà Tạ Thị Thanh và gia đình luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào của phường, Khu dân cư, Tổ dân phố và của Chi hội phụ nữ. Hàng năm gia đình bà đều đạt gia đình văn hóa, bà luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, hàng năm bà dành một số tiền để làm từ thiện thông qua các chuyến đi của Hội Chữ thập đỏ phường.
Đó là những nghĩa cử cao đẹp, những đóng góp đầy ý nghĩa của bà Thanh. Tuy nhiên, nói về những việc làm của mình, bà Thanh khiêm tốn tâm sự: “Những gì tôi đã làm chỉ là rất nhỏ bé so với đóng góp của nhiều người khác, tôi đã được nhận nhiều từ cuộc sống, từ mọi người, nên tôi nghĩ, nỗ lực để đóng góp một phần bé nhỏ của mình cho xã hội là điều cần làm và nên làm”.
Điều đáng nói, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ miễn giảm tiền phòng trọ cho lao động nghèo, bà Thanh còn tích cực cùng các hội viên của Chi hội phụ nữ 8 tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện.
Trong đợt dịch, Ủy ban MTTQ phường Khương Đình rà soát, nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân. Qua theo dõi và rà soát các trường hợp khó khăn trên địa bàn phường, đặc biệt là những lao động tự do mất việc làm, người thuê trọ bị mắc kẹt ở Thủ đô không về được quê gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Qua rà soát, có hơn 1.000 trường hợp gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian dịch Covid-19 này cần được hỗ trợ.
Bà Thanh đã sử dụng nhà mình làm điểm hỗ trợ các tổ chốt trực chống dịch, làm nơi tập kết hàng hóa, vật phẩm để đi trao cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trực tiếp được nhận phần quà từ tay nhà tài trợ là gạo, rau, những lao động tự do hết sức phấn khởi và hân hoan. Bởi nhiều ngày nay ở nhà chống dịch, nguồn sống của họ phải trông chờ vào sự quan tâm của phường Khương Đình và các nhà tài trợ.
“Tôi quê ở Đà Nẵng ra Hà Nội thuê nhà trọ, làm nghề phụ thợ may, ông xã phụ vôi vữa nhưng 3 tháng nay nghỉ làm vì Covid-19. Không đi làm nên nhà có gì ăn nấy và được phường, các tổ dân phố cho quà cứu trợ. Khi được nhận những thực phẩm này, những người lao động phổ thông xa quê như chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng” - chị Trương Thị Bé (thuê trọ tại tổ dân phố 21, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) xúc động chia sẻ.
“Tôi mong mình có nhiều sức khỏe để làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn nữa, giúp ích cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở xung quanh” - bà Tạ Thị Thanh bộc bạch.