Nữ doanh nhân luôn trăn trở với nông sản an toàn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là DN chuyên cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn Hà Nội, Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Việt Nam (VAF) đang từng bước đưa nông sản sạch từ trang trại đến bàn ăn của mỗi gia đình và từng học sinh trên địa bàn Thủ đô.

Từ trang trại đến bàn ăn
Tổng Giám đốc VAF Trần Thị Thu Hằng cho biết, qua tìm hiểu thị trường nông sản, bản thân nhận thấy người nông dân dù làm ra sản phẩm sạch nhưng lại rất khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, VAF đã đứng ra kết hợp bao tiêu sản phẩm vào các bếp ăn tập thể, trường học, siêu thị... Sự kết hợp này mới đầu chỉ nhằm đưa những sản phẩm thực phẩm tốt nhất, đảm bảo sức khỏe trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để có nguồn nông sản, thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, bà Hằng luôn tâm huyết với công việc với sự tỷ mẩn, trăn trở đối với từng loại nông sản… Bà luôn chú trọng vào việc tìm và xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, theo phương châm “cung cấp sản phẩm sạch, an toàn, từ trang trại tới bàn ăn”.
 Tổng Giám đốc Trần Thị Thu Hằng (phải) đang tìm hiểu về sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Nha Trang 2019 để kết nối tiêu thụ sản phẩm về Thủ đô. Ảnh: Khắc Kiên
Với sự chuẩn bị khá bài bản, đến nay, VAF đã hình thành những chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến chế biến và đến bàn ăn. Trong đó, VAF với trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cũng đặt ra yêu cầu với đối tác của mình là những nhà sản xuất, cung cấp cũng phải đảm bảo chất lượng, giá ổn định.
Theo bà Hằng, để có nông sản sạch phải có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và DN, từ đó DN mới có thể phát triển bền vững. Và muốn người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bản thân DN phải tạo ra sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý, đặc biệt tốt cho sức khỏe vừa chiếm lĩnh thị trường, vừa tự hào là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Hướng tới sức khỏe cộng đồng
Để có được nguồn nông sản an toàn ổn định, Tổng Giám đốc Trần Thị Thu Hằng tiết lộ, bản thân phải trực tiếp đến các vùng sản xuất nguyên liệu, lựa chọn ra những trang trại, hay hợp tác xã có mô hình tập trung, có sự kiểm soát lẫn nhau mới có được sản phẩm chất lượng, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, VAF cũng thường xuyên mang mẫu đi xét nghiệm, test, chất lượng nông sản để sản phẩm đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất. Mới đây VAF đã áp dụng thành công việc dán tem truy xuất nguồn gốc tất cả các sản phẩm.
“Sản phẩm từ trang trại, vùng sản xuất đến với người tiêu dùng sẽ đầy đủ thông tin qua tem truy xuất nguồn gốc. Đơn cử một bắp ngô khi quét sẽ hiện rõ từ trang trại nào, nhà nào và người tiêu dùng có thể kiểm chứng được đường đi của sản phẩm” - bà Hằng khẳng định.
Đồng thời cho biết, trước kia bản thân DN là đầu mối phân phối thường làm việc với chủ trang trại, nhưng giờ kết hợp thông qua chính quyền và trong hợp đồng bao tiêu có những điều khoản yêu cầu phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình, nếu xảy ra sự cố truy trách nhiệm rõ ràng.
Bà Hằng nêu ví dụ, Mê Linh là huyện có vùng sản xuất nông sản an toàn lớn của Hà Nội, chính quyền địa phương rất quan tâm, giao cho các phòng ban, hợp tác xã dịch vụ nắm rõ từng hộ dân trên địa bàn có ý thức về sản phẩm chất lượng, qua đó cũng nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân… Tất cả đều quan tâm đẩy mạnh sản xuất ra sản phẩm chất lượng hơn, thay vì chạy theo sản lượng.
Qua thời rau 2 luống, gà 2 chuồng
Tổng Giám đốc Trần Thị Thu Hằng chia sẻ, trước người nông dân sản xuất theo kiểu truyền thống: Rau 2 luống, gà 2 chuồng. Nghĩa là rau nhà ăn thì trồng một luống không phun thuốc bảo vệ thực vật, còn rau bán ra thị trường thì sử dụng thuốc thường xuyên…
Để thay đổi nhận thức, nữ doanh nhân cũng phải nhiều lần nói chuyện, vừa tâm sự, vừa tư vấn: Nếu phun thuốc trừ sâu, người dân sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng đầu tiên, do đó người dân tự nhắc nhau, dần dần sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ để cho ra sản phẩm sạch hơn.
Theo chân nữ doanh nhân này và chứng kiến cuộc trò chuyện với các hộ sản xuất tập trung tại Mê Linh về xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tôi nhận thấy tư duy thay đổi rất nhiều: Khi thị trường dễ tính, người tiêu dùng dễ tính, họ vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống, nhưng đến khi sản phẩm không bán được, thị trường quay lưng thì cũng phải thay đổi cho phù hợp từ cách sản xuất.
Xưa để tạo ra nhiều sản phẩm nông sản bón rất nhiều đạm, thuốc bảo vệ thực vật. Giờ hướng tới dùng phân hữu cơ thay cho vô cơ, thậm chí tự sản xuất hữu cơ từ các chất thải tại các trại chăn nuôi gia súc, cũng như rễ, vỏ cây của chính các khu trang trại được tận dụng trở lại, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được một khoản chi phí nhất định. Điều đó giúp cho nông sản Việt Nam sắp tới sẽ định hướng lại, thay vì chạy theo sản lượng sẽ đi vào chất lượng, hướng tới sức khỏe cộng đồng.
VAF được thành lập năm 2009 tại số 12A/40 Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản thực phẩm, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, với bộ máy quản lý và kinh doanh 12 người và một số vốn khá khiêm tốn. Đến nay, VAF đã có cửa hàng thực phẩm sạch, cung cấp vào nhiều trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai và một số quận, huyện khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần