Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nữ doanh nhân nên duyên với... phở

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với phương châm mang lại "chất lượng xanh cho cuộc sống Việt", nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương – Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương đã kết hợp sản xuất truyền thống và công nghệ hiện đại để cho ra sản phẩm phở tươi và phở khô Hà Thành không dùng chất phụ gia, chất lượng và an toàn cho sức khỏe cộng đồng.

Giám đốc Nguyễn Thị Phương (phải) kiểm tra sản phẩm Phở khô Hà Thành trong siêu thị Shunshine Smart. Ảnh: Khắc Kiên
Khởi nghiệp từ bánh phở
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề sản xuất bún, phở truyền thống Kỳ Thủy, Bích Hòa, (Thanh Oai, Hà Nội), chị Phương đã sớm bén duyên với nghề làm bánh phở của quê mình khi quyết định mua lại hệ thống máy sản xuất bánh phở của một người anh họ. Từ sản lượng tiêu thụ ban đầu 300kg bánh phở tươi, năm 2014, chị Phương quyết tâm sản xuất lớn với việc đi đăng ký kinh doanh thành lập DN. "Khi đó, tôi đã được các cơ quan Nhà nước rất tạo điều kiện và ủng hộ, vì lần đầu tiên có một hộ kinh doanh tự nguyện đăng ký và công khai nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo về ATTP, rồi đổi mới về bao bì, phong cách phục vụ khách hàng..." - chị Phương kể.

Sau khi thành lập DN, sản lượng của công ty dần đi lên 1 tấn, liên tục cần tuyển nhân viên, người lao động tuyển mới được công ty đào tạo, cho đi tập huấn về ATTP để đảm bảo sản phẩm làm ra chất lượng, an toàn... “Khi thị trường chấp nhận, tôi đi làm tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bánh phở ướt. Đến năm 2016, 7 DN tìm đến hợp tác để đưa sản phẩm ra thị trường, chưa kể các trường học dân lập, công lập, nhà hàng, khách sạn...” – nữ doanh nhân này nói. Khi sản phẩm sản xuất ra 2 tấn/ngày, chị quyết định tạm dừng không nhận thêm khách hàng mới và tập trung vào khâu dịch vụ cho bền vững.
Sản Phở khô Hà Thành. Ảnh: Khắc Kiên
Đặc trưng phở Hà Thành

Thực tế, trong quá trình làm bánh phở ướt, do không có chất bảo quản dù gạo ngon, chất lượng và kỹ thuật đảm bảo, hạn sử dụng cũng chỉ được 12 - 24 giờ. Nung nấu ý định làm bánh phở để lâu và có thể đi xa hơn trong kinh doanh, chị Phương bắt tay vào làm thử bánh phở khô. Thời gian đầu thử nghiệm, bánh bị hỏng rất nhiều do máy móc, kỹ thuật không đáp ứng, tiêu tốn cả tỷ đồng. Không từ bỏ ý định, chị Phương quyết tâm tìm hiểu và vay mượn người thân để chế tạo máy có công đoạn sấy vòng tròn, khép kín, không phải phơi ra ngoài trời bằng cách cải tiến chu trình sấy từ 3 tầng lền 12 tầng. “Phải đến lần thứ 3 tôi mới cho ra được sợi phở khô mỏng, giòn nhưng không vụn, không chất bảo quản, để lâu không mốc... do không phải phơi ngoài trời nên đảm bảo vệ sinh khi đủ độ sấy cho sản phẩm. ” – nữ doanh nhân chia sẻ.

Sản phẩm được chị Phương đặt tên là "Phở khô Hà Thành", phở khô Hà Thành khi trần lên ăn ngon như phở tươi, mà lại đa chức năng có thể xào, trộn, ăn lẩu... rất dễ sử dụng. Chia sẻ về giá thành, chị Phương cho biết, phở khô do DN sản xuất có cao hơn một chút so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường, bởi được làm nguyên chất từ gạo, không chất bảo quản, không pha trộn bột mì, bột sắn... Duy nhất để tạo ra độ bóng, thơm hơn, lâu hơn cho sản phẩm thì chỉ dùng dầu ăn và muối. Đó cũng là lý do phở khô chỉ để được 6 tháng và tôi cũng đang nghĩ đến cách áp dụng công nghệ tạo ra sản phẩm hạn sử dụng lâu hơn, hướng đến thị trường ngoài nước.
Giám đốc Nguyễn Thị Phương kiểm tra chất lượng bánh phở trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: Khắc Kiên
“Có người thắc mắc về bao bì in đơn giản, không thấy các thành phần tạo ra sản phẩm, tôi giải thích phở khô được làm từ chất nào thì ghi như vậy, không có phụ gia thì ghi làm sao được. Khách hàng không tin có thể đi kiểm nghiệm và nếu phát hiện ra có phụ gia tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm” – chị Phương tự tin.

Về chiến lược phát triển, chị Phương cho biết, phở là món ăn truyền thống rất đặc sắc và phổ biến của người Việt. Món phở có mặt từ Bắc vào Nam với nhiều hương vị khác nhau tùy từng vùng miền, vì thế thị trường trong nước đang rất rộng mở nên chị sẽ tập trung cho phân khúc này. Trước mắt sẽ tìm cách đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích... với mong muốn người Việt được dùng các sản phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo sức khỏe... lại có thể tiêu thụ được nguồn nguyên liệu từ gạo của người nông dân trong nước.
Do ảnh hưởng của Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm phở tươi và khô cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, vì vậy tôi tập trung vào tái cấu trúc DN, lên kế hoạch làm việc với các đối tác để đưa sản phẩm phở khô vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích... Điều khó với DN là thủ tục vào một số đơn vị khá lâu, dù đã nộp phí tạo mã sản phẩm nhưng hiện vẫn chưa đưa được lên kệ trong siêu thị. Do đó, rất mong các đối tác tạo điều kiện để cùng nhau phát triển và người tiêu dùng có thể sử dụng được sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe.

Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương