Với mong mỏi nâng tầm giá trị cho sâm Việt, doanh nhân Trần Thị Thu Hằng - Giám đốc Công ty CP XNK Nông sản thực phẩm Việt Nam (VAF) đã nhiều lần vào tận "thánh địa sâm" để khảo sát, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thay đổi tư duy
Gặp nữ doanh nhân Trần Thị Thu Hằng vào một chiều giữa tháng 2, dù rất bận cho việc lên phương án xây dựng chu trình khép kín từ trồng, chế biến và quảng bá, tiêu thụ cho loại thảo dược quý này bà vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi.
Theo bà Hằng, Sâm Ngọc Linh có chất giải độc, rất tốt cho sức khoẻ. Với đặc tính của thổ nhưỡng vùng đất nơi đây, nếu dùng nước tưới cho sâm sẽ thối ngay, còn cứ mưa xuống thoát đi, lớp bùn đất ở cây sẽ làm xốp đất lại rất phù hợp cho sự phát triển của sâm. Tuy nhiên, hiện bà con dân tộc đang sinh sống ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum lại chăm sóc theo cách tự nhiên nên củ sâm chưa đều và đẹp.
“Nếu trồng tự nhiên giá bán rất rẻ, sâm phía Bắc chỉ có 200.000 - 300.000 đồng/kg do chất lượng củ sâm công nghiệp khác nhau. Ngay tại TP Kon Tum, sâm bán trên vỉa hè rất nhiều nhưng không chứa chất dinh dưỡng gì cả” – nữ doanh nhân dẫn dụ. Nguyên nhân do sâm chưa có giá trị kinh tế, chất lượng, theo bà Hằng là do công tác tuyên truyền chưa được quan tâm.
Sâm hiện nay đa số chỉ ngâm rượu, gần đây có sản xuất nước sâm, xà phòng sâm từ công nghệ của Thái Lan. Song các mặt hàng này chưa được biết đến nhiều. "Nếu chúng ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ bây giờ phải ít nhất 2 - 3 năm nữa bà con dân tộc mới hiểu rõ được giá trị thực sự của sâm" - bà Hằng nói.
Sản phẩm sâm Ngọc Linh trưng bày tại hội chợ nông sản thực phẩm tại Pháp, tháng 6/2018. |
Sau 2 lần đi thực tế tìm hiểu cách trồng, chế biến, quảng bá sâm tại Hàn Quốc, bà Hằng nhận thấy, sản phẩm sâm của Việt Nam chưa được đầu tư bài bản, công nghệ kỹ thuật trước và sau thu hoạch sâm chưa được quan tâm.
Trước khi thu hoạch, ở Hàn Quốc có chế độ dinh dưỡng cho cây, chất lượng tốt hơn có thể để ngoài 15 ngày, chưa kể hình thức sản phẩm sâm Hàn Quốc đều, đẹp hơn, Việt Nam chỉ chạy theo sản lượng, sâm mới nhú lên đã thu hoạch. Câu chuyện tại sao Hàn Quốc có thương hiệu về sâm, sản phẩm đa dạng là vì Chính phủ giao cho người dân trồng, còn Chính phủ bao tiêu sản phẩm, kết hợp với ngành du lịch để quảng bá thương hiệu. Trong khi sâm Việt Nam chạy theo tư duy "trồng thật nhiều bán thật nhanh", do đó về lâu dài rất cần sự chung tay từ Nhà nước, nhà khoa học, DN để thay đổi tư duy người dân.
Bà Hằng đang ấp ủ kế hoạch liên kết với người dân trồng sâm ở Măng Ri đưa ra sản phẩm có chất lượng cao tới người tiêu dùng. Bà Hằng cho biết, DN kết hợp với người trồng sâm sẽ tạo ra thương hiệu để người tiêu dùng nhận biết, thấy được giá trị của sâm Ngọc Linh, sâm dây. "Lúc đó, giá trị của sâm Ngọc Linh không chỉ vài trăm ngàn đồng/kg mà sẽ cao hơn nữa" - nữ doanh nhân tin tưởng.
Măng Ri nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, là vùng đệm của núi Ngọc Linh và trở thành nơi rất thích hợp cho trồng cây sâm dây. Hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum luôn theo sát, hướng dẫn, giúp đỡ bà con dân tộc sản xuất để duy trì loại thảo dược quý hiếm này. |