Nụ hôn gửi lại

P.H.Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 27/7/1982,  bên cạnh tủ bàn thờ nhỏ, hai người phụ nữ, một già một trẻ đang...

Kinhtedothi - 27/7/1982,  bên cạnh tủ bàn thờ nhỏ, hai người phụ nữ, một già một trẻ đang ngồi  nắm tay nhau. Trên bàn thờ, sau những nén  hương đang cháy dở là tấm hình hai người lính, một tuổi trung niên khoác áo trấn thủ, một thanh niên mũ tai bèo.

Nhìn hai người phụ nữ ngồi cạnh nhau, cách họ nắm tay nhau, nhìn nhau, rồi cùng nhìn lên bàn thờ, ai cũng nghĩ  là họ là hai mẹ con, mà ít ai nghĩ rằng cô gái  là bạn gái con trai người phụ nữ - anh ấy đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Như mọi năm trước đó kể từ ngày giải phóng, bà cụ lại chậm rãi mở tủ bàn thờ, lấy ra một cái hộp nhỏ, trong đó có một lá thư đã ngả màu vàng, nhiều dòng chữ đã phai màu. Rồi hai người cùng nhau xem, lật giở:

Ngày 1/9/1970

Miền tây Thừa Thiên Huế

 Mẹ yêu quí

Con rất vui mừng, sung sướng vì lần đầu tiên từ ngày con vào B đến nay, con mong mỏi chờ thư của Mẹ và cả nhà từng giờ, từng phút, cho đến ngày 23/8 liền một lúc con nhận được thư của Mẹ, của em trai và của bạn gái con. Con càng thương nhớ Mẹ nhiều hơn khi biết  em trai mình đã được đi Liên Xô học, không còn ai ở bên mẹ thường xuyên để chăm sóc mẹ. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng  lo lắng cho các con Mẹ nhé. Hôm nhận được thư, con đi tập ở thao trường về, nghe các đồng chí trong đơn vị nói con có thư của gia đình, lúc đó con không dám tin vì đã bị các bạn đùa rồi. Tuy nghĩ thế nhưng con cũng chạy lên nhà đại đội để xem có đúng không? Khi cầm 3 lá thư trong tay, mừng quá suýt nữa con khóc.

Mẹ ơi, tuy lớn rồi, nhưng lần đầu tiên xa nhà nên lúc nào con cũng nhớ Mẹ, nhớ em, bạn bè và người thân của mình, nhớ hàng xóm xung quanh Mẹ ạ. Tuy giờ đây phải sống xa Mẹ, xa gia đình và mặc dù cuộc sống gian khổ, khó khăn, ác liệt nhưng con quyết tâm chiến đấu giỏi, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao cho, cố gắng giữ gìn sức khỏe, không làm gì ảnh hưởng đến gia đình. Bộ đội giải phóng chúng con trong này luôn xác định nhiệm vụ là chiến trường, chức năng là chiến đấu. Mẹ cứ yên tâm, đừng lo nghĩ  về con. Nam - Bắc thống nhất con sẽ trở về, con sẽ kể cho Mẹ, em trai, các bạn của con, họ hàng, láng giềng nghe chuyện chiến trường, chuyện Trường Sơn bao la, hùng vĩ;…

Con rất nhớ, rất yêu Mẹ và cả nhà. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng dậy sớm quá Mẹ nhé. Mẹ nhớ giữ ấm chân vì trời chắc đã bắt đầu trở lạnh và Mẹ có còn hay tê chân không? Mùa đông Hà Nội sắp đến rồi. Mẹ cho con hỏi thăm các Bác, các chú, thím, cô trong họ, bà con hàng xóm, các bạn của con (nhất là “cô bé hàng xóm “mà Mẹ đã biết, Mẹ hỏi giúp con xem bạn ấy đã nhận được thư của con chưa? Và cả Mẹ nữa đã  nhận được chưa?). Con dừng lại đây, đơn vị chuẩn bị hành quân tiếp. Con yêu mẹ.

Con trai  của Mẹ

Khải

Người con nào ra đi cũng hứa trở về, nhưng rồi họ đi biệt!

Nước mắt làm nhạt nhòa đôi mắt của hai người phụ nữ. Trước mắt bà cụ hiện lại ngày tiễn chồng đi kháng chiến, ông đã ôm bà và hai đứa con nhỏ, nói rằng sẽ trở về. Rồi cảnh hào hùng đỏ rực cờ hoa của Hà Nội năm 1954 khi đón đoàn quân Bộ đội Cụ Hồ chiến thắng trở về. Bà đã đến từ rất sớm, chen lên hàng đầu để nhìn rõ được mặt từng anh bộ đội trong Đoàn quân chiến thắng với hy vọng sẽ nhận ra ông ấy trước. Nhưng hôm ấy, bà không gặp được chồng mình. Lo lắng nhưng không thất vọng, bà tin rằng ông ấy đang còn ở đâu đó ngoài kia, ở một đơn vị khác, mà bộ đội thì còn nhiều việc phải làm. Bà vẫn đợi chờ và hy vọng. Và chính chúng đã giúp bà vượt qua bao khó khăn nuôi hai con khôn lớn. Cho tới nay, dù chồng đã được công nhận là liệt sĩ, nhưng mỗi ngày bà vẫn nhìn ra đầu phố,… biết đâu ông ấy đang về.

Đọc thư của bạn trai gửi về cho mẹ, đến dòng cuối, bao giờ cô gái cũng khóc, khóc nức nở. Cô nhớ buổi tối chia tay, một buổi tối đầu năm 1970, giống rất nhiều gia đình khác ở Hà Nội và các làng quê phía Bắc, có nhiều cuộc liên hoan gia đình, phường,  xóm chia tay những chàng trai, cô gái ra trận. Cuộc liên hoan tiễn đưa diễn ra tại một ngôi nhà lá nhỏ ở ngoại ô Yên Phụ, Hà Nội. Cũng như mọi cuộc liên hoan gia đình có chén nước trà xanh, miếng trầu, đĩa kẹo,… bầu không khí lưu luyến, ấm cúng dặn dò, có tiếng cười và có cả những giọt nước mắt lau vội của người thân. Trong sự đông đúc ồn ào ấy, có một góc khuất, một khoảnh khắc thầm lặng - chàng trai trước khi ra trận đã được ở bên cạnh cô bạn gái của mình. Cô gái  thẹn thùng, giấu chùm hoa bưởi trong chiếc khăn tay tặng người yêu trước ngày ra trận.

Bà cụ lặng lẽ nhìn cô gái, vừa cầm tay cô, bà vừa nhẹ nhàng nói: Con à, còn chuyện này nữa mẹ chưa kể hết cho con nghe, chuyện về những ngày cuối cùng của nó nơi chiến trường. Mẹ được anh lính đảo ở miền Trung – người thường tranh thủ khi về phép thăm hai mẹ con mình kể lại. Mẹ chưa kể hết với con vì sợ làm con đau khổ hơn. Nó kể: “Bom và pháo đạn của giặc, nhất  là bom từ máy bay B52 của Mỹ  ngoài khơi bay vào trút xuống dày đặc và liên tục nhiều ngày, đồng đội đã hy sinh rất nhiều, nhưng bọn con  vẫn quyết tâm bám trụ, tiếp tục trinh sát đánh địch. Giống như con trai của mẹ, lúc đó bọn con toàn lính trẻ cả,  nhiều  đứa còn chưa kịp có bạn gái, chưa được hôn bao giờ, trước khi mất cũng đều một câu gọi “MẸ”. Chúng con ở trong cùng đại đội. Hôm đó Khải đi trinh sát trước, một đợt bom B52 đã dội  xuống  khu vực trinh sát nên Khải bị thương nặng, khi chúng con tìm thấy và ôm Khải để mang về tuyến sau, Khải  bảo con “mày phải sống, phải chiến đấu cho đến ngày chiến thắng, trả thù cho đồng đội, nhớ về nói với Mẹ tao là tao rất nhớ, yêu và thương Mẹ, yêu em tao, yêu bọn mày, lúc nào tao cũng nhớ và rất yêu  bạn gái của tao, cô gái hàng xóm mà tao đã kể cho mày biết  đấy, chúng tao chưa nói và chưa biết yêu nhau, nói tao yêu bạn ấy và hôn giúp bạn ấy cho tao nhé, hôn mạnh và thật sự vào, vì đó là nụ hôn của tao gửi lại,…”, thế rồi Khải ra đi.”

Bà cụ nắm chặt tay cô gái, tiếp tục: Con à, con như con gái của mẹ rồi, mẹ phải lo cho con, năm nào vào ngày này con cũng đến thắp hương cho nó và ông ấy. Mẹ hiểu lòng con. Mẹ cũng đã khóc nhiều mỗi khi nghĩ đến nó và bố nó. Nó đã hy sinh, giống như ông ấy, mẹ cũng đã chờ đợi, là đàn bà, mẹ cũng hiểu nỗi đau trong hy vọng đợi chờ và mẹ biết họ không  thể nào trở về được nữa. Mẹ không muốn con vẫn sống trong cô đơn hy vọng, dù sao mẹ cũng còn có em trai của nó sống bên cạnh, con hãy nghe mẹ, một lần nữa mẹ khuyên con chọn lấy một người tốt nhất trong số những người đang tìm hiểu con để lập gia đình, có như vậy mẹ mới an lòng. Mẹ và ông bà bên nhà giờ cũng cao tuổi cả rồi. Nó có biết chắc cũng vui và mừng, hạnh phúc cho con. Mẹ thấy anh bộ đội ngoài đảo ở miền Trung vẫn tranh thủ về thăm mẹ và gặp con, bạn cùng đơn vị với nó. Cậu ấy là người tốt đấy, người ta cũng theo đuổi  nhiều năm rồi, theo mẹ con nhận lời cậu ấy đi.

- Mẹ ơi !

Cô gái ôm chặt lấy bà cụ, nước mắt của cả hai mẹ con lại chảy.

Một năm sau…

Có một đoàn xe đón dâu từ miền Trung ra Hà Nội, đã đến cửa ô Yên Phụ năm xưa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần