Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nữ lao động di cư gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc, nuôi dạy con

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số nữ lao động di cư có cuộc sống bấp bênh, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Họ phải ở trong những khu phòng trọ chật chội, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Đặc biệt, nhiều người phải gửi con về quê nên khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con.

Trên 30% lao động di cư phải sống xa con

Theo kết quả khảo sát về Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất do Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8/2023 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở 10 tỉnh, TP, Công đoàn ngành Trung ương, trong số 891 lao động nữ di cư được khảo sát, có 47,1% cho rằng khó khăn về nhà ở, cuộc sống bấp bênh. Đồng thời, 46% cho rằng thu nhập không đủ trang trải; 14,5% khó khăn xin học cho con tại nơi cư trú (do không có hộ khẩu); 14,6% không có thời gian chăm con cái; 7,3% không có nhà trẻ ở gần gửi trẻ.

Qua khảo sát cho thấy, tổng thu nhập của gia đình lao động nữ di cư dao động nhiều nhất là từ trên 10 triệu đến 15 triệu đồng (chiếm gần 80%). Với mức thu nhập này họ phải chắt chiu, tiết kiệm mới có thể đủ được các loại phí sinh hoạt, Thu nhập không cao nên họ thường lựa chọn thuê trọ trong những khu nhà có điều kiện chật chội, không gian nhỏ, thiếu không gian sinh hoạt (gần 50% lao động nữ di cư ở khu nhà dưới 20m2), thiếu thốn vật chất, tiện nghi. Cũng do thu nhập thấp nên họ phải gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc (chiếm 31,6%).

Những công nhân được hỗ trợ thuê nhà với mức giá ưu đãi thì sẽ có điều kiện ở gần chăm sóc, quan tâm được đến việc học của con. Ảnh: Ngọc Tú (ảnh minh họa)
Những công nhân được hỗ trợ thuê nhà với mức giá ưu đãi thì sẽ có điều kiện ở gần chăm sóc, quan tâm được đến việc học của con. Ảnh: Ngọc Tú (ảnh minh họa)

"Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý của bản thân người lao động khi phải xa con" - Phó Trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thu Phương cho biết.

Chị T, nữ lao động di cư tại tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, do vợ chồng chị bận làm ca kíp mà con còn nhỏ gửi đến nhà trẻ không yên tâm nên chị đã gửi về cho ông bà chăm sóc. Việc gửi con về cho ông bà sẽ giảm được bớt gánh nặng tài chính, ở quê có không gian rộng rãi thoáng mát, trẻ thoải mái vui đùa.

Ban đầu khi mới gửi con về vợ chồng chị đều cố gắng sắp xếp thời gian về thăm con vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên thời gian sau đó do công việc vừa bận rộn, lại thêm ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chị không thường xuyên về, chủ yếu nói chuyện với con qua camera điện thoại". "Khi đón con về, tôi phải đưa con đi khám bác sĩ vì nghĩ con bị tự kỷ. Con nhạy cảm hơn, chỉ cần xa cha mẹ vài giờ rất sợ hãi, thường la hét, cáu gắt hơn, đi học không cảm thấy vui... Chúng tôi quyết định đón con lên ở cùng và dành thời gian quan tâm con nhiều hơn"- chị T, nói.

Ngay cả đối với việc chăm sóc những trẻ nhỏ dưới 24 tuổi, lao động nữ di cư cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con. Đó là khó khăn trong việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn. Do điều kiện của lao động nữ làm việc ca kíp nên việc trữ sữa cho trẻ rất khó khăn, nên vẫn còn 13% lao động nữ cho trẻ ăn sữa ngoài do không có thời gian vắt trữ sữa; làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nên ít sữa, không đảm bảo nguồn sữa cho trẻ. Đặc biệt là lao động nữ di cư xa con nên không có thời gian cho con bú, uống sữa mẹ nên phải cho con dùng sữa ngoài.

Giải pháp nào hỗ trợ nữ lao động di cư cải thiện điều kiện chăm sóc con?

Phó Trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thu Phương thông tin, thời gian qua tổ chức công đoàn đã có nhiều hoạt động hỗ trợ. Cụ thể, 100 % công đoàn tại doanh nghiệp đã đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động để ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có các nội dung bảo vệ quyền của lao động nữ như: Thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, trợ cấp cho lao động nữ; Thỏa thuận về các chế độ, chính sách đối với lao động nữ khi mang thai, nghỉ thai sản, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản; tiền hỗ trợ gửi trẻ, nuôi con nhỏ; tiền đi lại…)

Công nhân thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tú)
Công nhân thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tú)

Tuy nhiên, vẫn còn một số chính sách doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ hoặc vướng mắc trong quá trình thực hiện (như bố trí buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động; đầu tư phòng vắt, trữ sữa mẹ; chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ...).

Từ những khó khăn của nữ lao động di cư, Ban Nữ công đã đề xuất chính quyền địa phương cần tuyên truyền, áp dụng các ưu đãi về chính sách của địa phương đến những gia đình công nhân đang ở trọ, để họ được bình đẳng hưởng các chính sách, chế độ như lao động địa phương. Đồng thời, có chính sách đảm bảo an ninh trật tự tại các khu nhà trọ; Hỗ trợ lao động di cư đăng ký nhập trường cho con của mình để yên tâm làm việc; Hỗ trợ xây các nhà trẻ cho công nhân lao động gửi con với học phí thấp; Xây dựng nhà ở phúc lợi cho công nhân có thu nhập thấp.

Với người sử dụng lao động cần chủ động phối hợp với công đoàn trong việc chăm lo cho lao động nữ như tăng hỗ trợ phụ cấp nhà ở, đi lại, lắp đặt thêm phòng vắt sữa, tạo nhiều việc làm và thực hiện tốt các chế độ hơn nữa cho lao động nữ.

Đồng thời, tổ chức công đoàn cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với lao động di cư như: Có chính sách hỗ trợ người lao động nữ di cư (hỗ trợ tiền thuê nhà; xúc tiến nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp); Có nhiều việc làm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn... Có nhiều chính sách cho con em di cư giúp cho công nhân lao động di cư yên tâm lao động như: xây dựng nhà trẻ trong khu công nghiệp; Tạo điều kiện cho con em công nhân có nhiều hoạt động vui chơi; Xây dựng quỹ khuyến học; hỗ trợ thủ tục pháp lý cho con công nhân...