Đó là câu chuyện cảm động mà cô Hoàng Thị Chung - giáo viên Trường THCS Hồ Xuân Hương (thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) kể cho chúng tôi nghe về cô học trò nghèo vượt khó học giỏi Hoàng Thị Vân Anh.
Hoàn cảnh gia đình Vân Anh hết sức khó khăn, mẹ em bỏ đi để lại ba chị em sống nương nhờ vào người bà đã ngoài 60 tuổi và người bố bị bệnh tâm thần. Nhưng không vì cuộc sống khó khăn vất vả mà em nản lòng. Trong học tập, Vân Anh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và hiện em đang ở trong đội sơ tuyển học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học của trường.
Gia cảnh ngặt nghèo
Đôi mắt già nua lặng lẽ nhìn về đứa con trai bị bệnh tâm thần đang thơ thẩn ngồi nhặt những viên đá cuội ném vu vơ, bà Nguyễn Thị Lượng (bà nội của Vân Anh) nghẹn ngào: “Đó, thằng Quế con trai tui, bố của ba đứa nhỏ đó. Nó bị bệnh thần kinh hôm nay như thế là may mắn rồi, chứ khi lên cơn là nó đuổi đánh con, đập phá hết đồ đạc trong nhà… khổ lắm…”. Bố Vân Anh bị bệnh tâm thần từ năm 2009 sau một tai nạn giao thông khi ông vào Hà Tĩnh làm thuê để kiếm tiền cho mấy con ăn học. Trước tình cảnh này, mẹ Vân Anh đã đã dứt áo bỏ đi biền biệt, để lại người chồng bệnh tật cùng ba đứa trẻ đang tuổi ăn học. Hàng ngày, bà nội Vân Anh lam lũ, tất tả chạy ngược chạy xuôi chăm con lo cho con, cháu. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng vất vả bội phần.
4 bà cháu Vân Anh bên căn nhà tình thương do xã xây dựng.
Để có tiền tiếp tục đến trường và lo cho cuộc sống của ba chị em, sau mỗi buổi đến trường Vân Anh thường ở lại sau lớp, nhặt nhạnh những trang giấy nát của các bạn để lại trong các lớp học. Buổi nào may mắn em cũng kiếm được 10 - 15 ngàn đồng, góp thêm vào số tiền ăn ít ỏi của ba chị em, rồi dành dụm đóng tiền học.
Những lúc thấy em cặm cụi nhặt giấy quanh sân trường, góc lớp, có bạn trêu gọi Vân Anh với những cái tên như "con bé đồng nát", "con bé nhặt giấy vụn"… Mỗi khi bị trêu như vậy, Vân Anh buồn lắm, nhưng nghĩ về hoàn cảnh gia đình khó khăn của mình nên Vân Anh bỏ mặc chúng bạn chế giiễu. Những lúc nhìn các bạn được bố mẹ đưa đi đón về, còn mình lúc nào cũng lủi thủi với chiếc xe đạp cà tàng phía sau chở một bao giấy vụn, Vân Anh lại chảy nước mắt.
Vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập
Những khó khăn vất vả trong cuộc sống không làm nản lòng cô bé nghèo. Vân Anh luôn cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập, ba năm liền Vân Anh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện của trường. Vừa qua, khi nhà trường tổ chức kỳ thi sơ tuyển học sinh giỏi các môn, em đăng ký dự thi 2 môn Hóa học và Sinh học. Ở môn Sinh học, Vân Anh đứng ở vị trí thứ nhất toàn trường với số điểm 9/10 và được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi tỉnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập của mình, Vân Anh tâm sự: “Bà nghèo nên không có tiền mua cho chị em các loại sách nâng cao, hay cho đi học thêm như các bạn nên để đạt được kết quả cao thì đến lớp em chăm chú nghe thầy cô giảng bài, về nhà làm đầy đủ các bài tập thầy cô giao và học kỹ các kiến thức trong sách giáo khoa… Đôi khi em mượn được sách của bạn về nhà chép lại các bài tập nâng cao rồi tự tìm cách giải. Có chỗ nào không hiểu thì em đến lớp nhờ các bạn, hay hỏi thêm cô giáo…”.
Nhận xét về Vân Anhh, cô Lê Thị Hoa - hiệu trưởng nhà trường xúc động nói: “Vân Anh là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường rất quan tâm và tạo mọi điều kiện giúp đỡ em trong quá trình học tập. Em luôn có ý chí phấn đấu và ý thức rất tốt trong học tập. Mặc dù nhà ở xa trường nhưng chưa bao giờ Vân Anh đi muộn hay nghỉ học không lý do. Hơn thế nữa em luôn đạt thành tích cao trong học tập. Em xứng đáng là một tấm gương tốt cho bạn bè noi theo và học tập”.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, Vân Anh thổ lộ: “Em chỉ mong sao mẹ sớm về với bà, về với ba chị em rồi chăm bố chứ bố. Chứ bố em bị bệnh như thế này cả nhà khổ lắm. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có thể đậu đại học, và học thật tốt để trở thành một bác sỹ giỏi”.
Hiện cuộc sống gia đình Vân Anh đã bớt phần nào khó khăn nhờ được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền cũng như các tổ chức đoàn thể. Nhưng câu chuyện về cô bé học trò nghèo “nhặt giấy vụn bán lấy tiền đi học” sẽ còn được các thầy cô giáo trong Trường THCS Hồ Xuân Hương kể lại cho những học sinh trong trường nghe và học tập.
Nhìn ba đứa cháu bên bữa cơm chiều đạm bạc, người bà nước mắt lưng tròng: “Tui còn sống khi mô thì biết ngày nớ, bà cháu rau cháo nuôi nhau, chứ tuổi già rồi không biết chết sống mần răng. Lỡ tui có chết đi không biết ba chị em nó bấu víu vào ai… bố hắn thì rứa đó…”.