Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Núi rừng vào Xuân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Công kính công, công kính công…” – tiếng cồng, chiêng rộn...

Kinhtedothi - “Công kính công, công kính công…” – tiếng cồng, chiêng rộn ràng theo nhịp bước chân, vang xa khắp bản làng như giục giã tất cả mọi người sửa soạn quần áo đẹp chạy ra sân vận động vui chơi ngày Xuân. Đó là nét đẹp thường thấy mỗi khi Tết đến Xuân về trên những bản làng xa xôi của các xã miền núi thuộc các huyện Thạch Thất và Quốc Oai.

Hương sắc ngày Tết

Hơi thở mùa Xuân ở nơi miền núi Thủ đô đến rất nhẹ nhàng mà say đắm bởi những cành đào rừng chúm chím nụ thắm hồng với những chiếc lá non mới nhú, là những làn mưa bay lất phất vương trên nhánh hoa rừng tím mộc mạc. Tết về sớm nhất là trên những phiên chợ Xuân với cơ man là hàng hóa phục vụ ngày Tết.

Đi dọc tuyến đường 446 từ Vai Réo qua các xã Đông Xuân (Quốc Oai), Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (Thạch Thất) là những phiên chợ Tết rực rỡ sắc màu. Người ta mang tới đây nào là những chồng bát đĩa mới tinh, nào lọ hoa, giày dép, quần áo, rau củ, trái cây… Những nải chuối xanh mập mạp, cong cong đặt bên gánh hàng bưởi chín vàng còn nguyên cuống lá để bày biện mâm ngũ quả ngày Tết. Những cành đào rừng cao gấp đôi đầu người với những nụ hoa màu hồng phai được xếp trên chiếc xe cải tiến chở xuống chợ như kéo Tết về gần hơn. Người mua, kẻ bán cứ nhộn nhịp từ sáng tới chiều. Gồng gánh hai cây mía tím vắt vẻo trên vai về nhà, bà Bạch Thị Hinh, 65 tuổi, thôn Đồng Vỡ, xã Đông Xuân cho biết: “Trong bàn thờ ngày Tết ở đây không thể thiếu hai cây mía để thờ tổ tiên, cầu mong cho các cụ ở thế giới bên kia luôn luôn được mạnh khỏe phù hộ độ trì cho con cháu gặp nhiều may mắn”.

 
Núi rừng vào Xuân - Ảnh 1

Men theo con đường nhựa phẳng phiu xuống xã Tiến Xuân, đúng lúc các bà, các chị dân tộc Mường với váy đen, áo trắng, thắt lưng xanh quen thuộc đang hối hả làm vệ sinh đường làng ngõ xóm để đón Tết. Tiếng chổi nan loẹt xoẹt theo mỗi nhịp tay. Năm nào cũng vậy, cứ trước Tết vài ba ngày là Chi hội phụ nữ các thôn lại nhắc nhau tiổng vệ sinh ngõ xóm để ngày Tết thêm phần ý nghĩa. Trong sân, nhiều chị em ngồn tỉ mẩn rửa từng chiếc lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng. Nhà nào cũng sửa sang, quét vôi, sơn lại nhà cửa. Anh Quách Hữu Minh, người dân tộc Mường, thôn Gò Chói, xã Tiến Xuân phấn khởi cho biết, từ khi về Thủ đô, đời sống của người dân được nâng cao, hàng hóa dịch vụ nhiều nên việc sắm Tết cũng thuận lợi hơn. Dù vậy, năm nào vợ chồng anh cũng tự tay chăm bẵm vài con gà ngon để thiết khách trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Còn với bà con người Mường ở xã Yên Trung, vào dịp Tết, nhiều gia đình chung nhau mổ lợn (ăn đụng) làm cỗ mời anh em, bạn bè, hàng xóm sang chung vui. Người Mường quan niệm, ăn thế nào thì thờ cúng thế đó nên trong mâm cỗ để cúng có đủ các món ngày Tết. Cùng với bánh chưng, thịt gà, giò chả, mâm cỗ ngày Tết của người Mường ở Yên Trung không thể thiếu 3 thứ đặc sản là bánh chéo kheo, nem chua hun khói và cá đồ. Bánh chéo kheo có hình trụ, dài 7 – 10cm được làm từ bột nếp, có nhân đậu xanh đồ chín trộn với mật gói bằng những chiếc lá hó rừng. Điều đặc biệt, mỗi lá phải gói hai chiếc bánh, gấp lại thành một đôi, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa thắm thiết, bền chặt. Còn món nem chua của người Mường được làm từ thịt ba chỉ thái nhỏ, trộn với rượu, gia vị và thính rồi gói bằng lá chuối đem treo lên gác bếp. Sau 2 – 3 ngày hun khói có thể bỏ nem ra ăn…

Những phong tục đẹp

Đêm Giao thừa, người Mường ở Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thường làm hai mâm cỗ để cúng tổ tiên và thần cai quản đất đai. Trước đây, khi còn ở nhà sàn, người Mường không lập bàn thờ mà chỉ ngày Tết mới dựng ban thờ bằng cột và phên đan. Nhưng ngày nay, khi xây nhà kiên cố, người Mường cũng lập ban thờ cúng tổ tiên, trang trí câu đối Tết và bày biện mâm ngũ quả để cầu may mắn trong năm mới. Việc chuẩn bị cỗ ngày Tết cũng lắm công phu, tùy theo thứ bậc là con trưởng hay con thứ, thờ mấy đời mà đặt số mâm cỗ cúng tổ tiên tương ứng, như là một sự đáp nghĩa của con cháu với tiên tổ.

 
Núi rừng vào Xuân - Ảnh 2

 Một trong những hoạt động không thể thiếu trong đêm Giao thừa là các tiết mục văn hóa văn nghệ do Đoàn thanh niên đứng ra tổ chức như thi văn nghệ, hái hoa dân chủ ở khu dân cư với những lời ca, tiếng hát mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi quê hương đất nước. Đây là sân chơi thu hút đông đảo người dân tham gia để tiễn biệt một năm cũ và đón chào năm mới.

Sáng mùng một Tết, mỗi gia đình đều chọn một người hợp tuổi với gia chủ và có uy tín trong làng hay dòng tộc để xông nhà với hy vọng người đó sẽ mang lại thật nhiều may mắn, tài lộc. Ở vùng núi xa trung tâm Thủ đô, dù điều kiện kinh tế và dân trí còn hạn chế, song người Mường ở các xã Yên Bình, Yên Trung có những nét văn hóa rất đặc sắc trong ngày Tết. Đó là kiêng nói tục, chửi bậy và đánh nhau. Họ quan niệm, nếu gia đình nào có người phạm phải điều này thì cả năm sẽ bị xui xẻo. Thế nên, gặp nhau ngày Tết, dân làng luôn tươi cười, niềm nở, ôn hòa với nhau.

Ngày hội vui Xuân của các xã thực sự bắt đầu từ mùng hai Tết trở đi. Khi ấy, các đội cồng chiêng được thỏa sức phiêu bồng trong những điệu hát say đắm, rộn ràng. Những thiếu nữ Mường duyên dáng trong chiếc váy đen, áo pắn trắng được điểm tô bằng cạp váy họa tiết sặc sỡ được dệt từ chỉ màu, uyển chuyển trong những nhịp chiêng, thu hút ánh nhìn của các chàng trai. “Công kính công/ Công kính công…”, họ cùng nhau hát ca, nhảy múa, quên hết những sầu lo, muộn phiền của cuộc sống để cầu chúc một năm mới thật nhiều niềm vui. Và một điều làm nên hương sắc ngày Tết vùng cao là các trò chơi dân gian của đồng bào Mường, Dao như ném còn, bắn nỏ, đấu vật, kéo co, bịt mắt bắt dê và gần đây có cả bóng đá, bóng chuyền hơi. Các trò chơi vui tươi, lành mạnh này đã mang lại khí thế tưng bừng cho năm mới ở bản làng. Việc tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi cũng đơn giản, gọn nhẹ nhưng trang trọng, ấm cúng đúng theo tinh thần xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Bùi Văn Sơn, dẫu ở vùng xa trung tâm, nhưng bà con cũng không quá say mê kéo dài thời gian ăn Tết mà ý thức được thời vụ, sớm gác cuộc vui để tổ chức ngày hội xuống đồng, bắt đầu một năm lao động sản xuất với nhiều kỳ vọng mới.