Nguồn lợi cá cơm cạn kiệt
Ông Huỳnh Thanh Minh, Trưởng phòng Kinh tế TP Phú Quốc cho biết, hiện tại Hội nước mắm Phú Quốc có 54 hội viên là những nhà thùng sản xuất nước mắm, số lượng này giảm so với những năm trước đó.
Theo bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho hay, năm 2000 Hội nước mắm Phú Quốc được thành lập có 86 hội viên, chiếm tỷ lệ hơn 96% trên tổng số nhà sản xuất nước mắm ở Phú Quốc, tập trung chủ yếu ở 2 nơi: An Thới và Dương Đông.
Tuy nhiên, số lượng hội viên thường xuyên biến động: năm 2002 còn 76, năm 2004 có 78, năm 2011 lên 87, năm 2016 còn 58, 2017 còn 52. Đến năm 2020, có trên 57 cơ sở chế biến nước mắm và đều là doanh nghiệp tư nhân ước tính sản lượng trên 25 triệu lít/năm. Hiện nay, hội nước mắm chỉ còn 54 hội viên, với hơn 7.000 thùng gỗ ủ chượp, mỗi năm sản xuất khoảng 25-30 triệu lít nước mắm từ 25 độ đạm trở lên.
Lý giải về vấn đề này, Hội nước mắm cho rằng, do kinh tế ngày càng khó khăn, nguồn lợi cá cơm ở nhiều vùng biển cạn kiệt, nhiều hội viên không đủ sức "gồng gánh" để tiếp tục theo đuổi nghề của ông cha truyền lại, chuyển hướng kinh doanh sang ngành nghề khác.
Năm 2016, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã công bố có đến 104 trong số 150 mẫu nước mắm mà tổ chức này khảo sát không đạt chỉ tiêu về arsen (thạch tín). Nhiều nhà thùng nước mắm tại Phú Quốc "choáng váng" trước những công bố này.
Sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc mặc dù đã được Châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhưng khi xuất khẩu sang các nước này lại gặp phải trở ngại từ Tiêu chuẩn Codex có quy định: “Sản phẩm không được có hàm lượng histamine lớn hơn 400mg/lit”.
Trong khi đó, nước mắm truyền thống được làm từ các loại cá cá trích, cá cơm luôn chứa nhiều axit amin histidine. Trong quá trình lên men cá trong thùng ủ chượp, loại axit amin này sinh ra histamine, nên hàm lượng rất cao so với quy định.
Tuy nhiên điều đáng nói, việc Ủy ban Codex Việt Nam và Thái Lan đồng biên soạn bộ tiêu chuẩn Codex về nước mắm, quy định tiêu chuẩn histamine trong nước mắm tối đa cho phép là 400mg/lít. Bộ tiêu chuẩn này được Đại hội đồng Codex lần thứ 34 thông qua vào tháng 7/2011. Từ năm 2013, các nước châu Âu cũng đi theo tiêu chuẩn của Codex về nước mắm.
Khó khăn chồng chất
Năm 2022, sau dịch Covid-19, hầu như tất cả nhà thùng sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm, nhiều nhà thùng bán ra chỉ đạt 20-30%, thậm chí có nhà thùng bán ra thị trường chưa tới 10% lượng nước mắm được sản xuất.
Ông Nguyễn Huỳnh Anh Khoa - Chủ nhà thùng nước mắm Huỳnh Khoa cho biết, nhà thùng của ông và nhiều nhà thùng khác trên địa bàn thành phố gặp khó về đầu ra cho sản phẩm nước mắm thô.
Ông Khoa chia sẻ nhà thùng của ông bán chủ yếu cho 3 doanh nghiệp thu mua lớn ở TP Hồ Chí Minh, nhưng hiện nay họ tạm ngưng mua. Trung bình hàng năm, nhà thùng nước mắm Huỳnh Khoa sản xuất được khoảng 600.000 lít, nhưng năm nay chỉ bán được khoảng 10%.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tham gia các hội chợ thương mại, quảng bá sản phẩm cũng như tìm kiếm các kênh xuất khẩu để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, ông Khoa chia sẻ.
Tương tự, bà Nguyễn Kim Chi - Chủ nhà thùng nước mắm Thành Khoa cho biết, hiện sản phẩm của công ty còn tồn rất nhiều. Năm 2022 không bán được sản phẩm thô ra thị trường, chủ yếu bán nước mắm đóng chai nhỏ lẻ. Hiện còn hàng tồn đọng rất nhiều, nhưng phải chịu nhiều khoản chi phí cao như lãi suất ngân hàng, tiền nhân công, kho bãi.....
Một nhà thùng cho biết, trước đây Công ty Masan thu mua nước mắm thô của các nhà thùng, nhưng từ những năm trở lại đây, công ty này không thu mua nữa khiến cho các nhà thùng trong tình trạng dỡ khóc, dỡ cười. Ngoài ra, còn phải chịu những quy định khắt khe về histamine, hiện tại có khoảng 10 nhà thùng đang rao bán vì không cầm cự nỗi các chi phí.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Minh, Trưởng Phòng Kinh tế TP Phú Quốc cho biết, nếu không kịp thời "giải cứu" thì trong quý 1 năm 2023 nhiều doanh nghiệp nước mắm có thể phá sản bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ nhà thùng nước mắm Thanh Quốc khẳng định, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên trong EU, cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU nhưng giờ đang gặp khó bởi nhiều tiêu chí như asen, histamine khiến cho nước mắm truyền thống rời vào tình trạng tiến thoái lưỡng nam.