Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước mắt ở "Anh trai vượt ngàn chông gai" nhiều hơn khán giả tưởng tượng

Mi Lan - Thùy Trang/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

MC Thành Trung có nhiều trải nghiệm khó quên khi lần đầu thử sức với vai trò ca sĩ khi tham gia "Anh trai vượt ngàn chông gai".

Đến với "Anh trai vượt ngàn chông gai", MC Thành Trung là cái tên gây bất ngờ. Anh được biết đến nhờ những vai diễn trong các tiểu phẩm hài, được kì vọng là thế hệ kế cận NSND Xuân Bắc, NSND Tự Long. Sau đó, Thành Trung rẽ hướng làm người dẫn chương trình và nổi tiếng với vai trò MC.

Lao Động có cuộc trò chuyện với Thành Trung để chia sẻ hành trình anh từ một diễn viên tới MC và giờ đây là một nghệ sĩ trình diễn.

Thành Trung từng là diễn viên hài, thành danh trong vai trò MC. Anh mang đến điều gì để thi đấu với các ca sĩ chuyên nghiệp ở “Anh trai vượt ngàn chông gai"?

- Suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, tôi luôn quan niệm rằng, nếu sự xuất hiện hay vắng mặt của bạn không làm ảnh hưởng đến chương trình thì đó là chương trình bạn không nên góp mặt. Vì thế, chương trình nào nhận lời tham gia, tôi cũng "máu chiến" và hết lòng đón nhận những thử thách.

Ở "Anh trai vượt ngàn chông gai", điều làm nên sức hút cho chương trình là, bên cạnh những nghệ sĩ đã thành danh trong lĩnh vực âm nhạc với những màn trình diễn bùng nổ và mãn nhãn, thì chính những người “ngoại đạo” như tôi là dấu hỏi lớn khiến khán giả tò mò. Tôi nghĩ vai trò của mình cùng các anh tài chưa từng hoạt động như một ca sĩ là mang lại sự bất ngờ.

MC Thành Trung gặp gỡ nhiều đồng nghiệp ở “Anh trai vượt ngàn chông gai“. Ảnh: Facebook nhân vật
MC Thành Trung gặp gỡ nhiều đồng nghiệp ở “Anh trai vượt ngàn chông gai“. Ảnh: Facebook nhân vật

Chưa từng hát nhảy và trình diễn chuyên nghiệp, “chông gai" lớn nhất đối với Thành Trung là gì?

- Tôi gặp nhiều chông gai. Các nghệ sĩ đều làm việc độc lập, rất ít khi làm việc tập thể trong thời gian dài. Nhưng vào chương trình, 33 người gặp nhau, giống như một lớp học thu nhỏ với nhiều độ tuổi, tính cách, sở trường khác nhau. Sau đó, họ lại chia nhỏ, phối hợp với nhau để mang tới những sân khấu ấn tượng cho khán giả.

Chông gai tiếp theo là chúng tôi phải hạ cái tôi xuống, học hỏi lẫn nhau. Tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều đối mặt với chông gai giống nhau về tổng thể, nhưng mỗi người lại có những thử thách riêng. Với tôi, việc biểu diễn trên sân khấu với tư cách một nghệ sĩ trình diễn âm nhạc là một chông gai.

Nhiều nghệ sĩ tham gia chương trình đã chia sẻ rằng họ bật khóc, xúc động, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi tham gia chương trình thực tế "Anh trai vượt ngàn chông gai". Anh thì sao, có khóc không?

- Tôi khóc nhưng không phải khóc cho mình mà rơi nước mắt đồng cảm với những câu chuyện của đồng nghiệp. Tôi khóc vì hành trình của họ, vì nghị lực của họ. Nước mắt ở "Anh trai vượt ngàn chông gai" nhiều hơn những gì khán giả tưởng tượng.

Nếu lật lại hồ sơ của MC Thành Trung, anh xuất thân từ diễn viên, theo học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, tham gia Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm (Táo Quân)..., nhiều người có thể sẽ đặt câu hỏi, vì sao anh gần như từ bỏ nghề diễn viên? Vì đam mê công việc MC hơn, hay vì nghề diễn như nhiều người nói là cực khổ, và nghèo?

- Tôi yêu nghề diễn và tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Tôi đi diễn cho đoàn trường, say mê viết kịch bản và diễn. Từ năm hai, khi được bước lên sân khấu Gặp nhau cuối tuần, sau đó là Gặp nhau cuối năm, đối với tôi đó là giấc mơ thành sự thật. Từ một người diễn vai quần chúng, diễn ở ngã tư, diễn tuyên truyền rồi đến xuất hiện ở Táo Quân, đời tôi chưa bao giờ dám mơ tới.

Đến lúc “Gặp nhau cuối tuần” ngừng sóng, tôi nhận ra mình hạn chế về cơ hội, khả năng thì không bằng những người đi trước. Làm sao tôi có được chỗ đứng, lo được cho bản thân và gia đình. Tôi phải đưa ra quyết định để tồn tại và phát triển. Với những kĩ năng của mình, tôi rẽ hướng làm MC.

Thời gian của tôi không đủ để vừa tập trung cho hai công việc cùng một lúc, trong khi đó nếu chỉ “giẫm một chân" thì không thể đứng vững được trong thị trường mà khán giả ngày càng khó tính. Có thể người xem sẽ không chấp nhận một diễn viên hài dẫn một chương trình mang tính học thuật, cần sự nghiêm túc hay mảng âm nhạc.

Trong khi hình ảnh diễn viên hài Thành Trung đã in sâu trong trí nhớ khán giả, tôi bắt buộc phải gác lại nghề diễn để khán giả quên đi vai trò đó. Khán giả chỉ thấy tôi trên truyền hình với vai trò MC. Cứ như thế, sau 10 năm, khán giả đã nhớ đến tôi là MC Thành Trung.

Thành Trung nói anh như trẻ ra khi gặp gỡ, thân thiết với các đàn em. Ảnh: Nhà sản xuất
Thành Trung nói anh như trẻ ra khi gặp gỡ, thân thiết với các đàn em. Ảnh: Nhà sản xuất

MC Thành Trung khi tham gia Anh trai vượt ngàn chông gai đã ở tuổi ngoài 40. Ở tuổi này, anh nhìn nhận như thế nào về danh tiếng và sự nổi tiếng?

- Tôi là một người đã hoạt động nghệ thuật 21 năm, và giờ đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Sự nổi tiếng có sức hút rất lớn, khiến người ta phải theo đuổi.

Với tôi, danh tiếng là danh dự và uy tín. Nổi tiếng là được khán giả quan tâm, biết đến. Vì vậy, những người có danh tiếng chưa chắc đã nổi tiếng, những người nổi tiếng chưa chắc đã có danh tiếng.

Suốt sự nghiệp, tôi luôn quan trọng danh tiếng, phải giữ uy tín với những người mình làm việc cùng, phải có danh dự với đồng nghiệp.

Sự nổi tiếng luôn có thời điểm, hôm nay là ta, mai sẽ là người khác. Vì vậy, tôi luôn cố gắng nỗ lực mỗi ngày để liên tục cống hiến và gìn giữ danh tiếng, với gia đình, cộng sự, đồng nghiệp.

Còn sự nổi tiếng, tôi được cuộc đời cho đến lúc nào, tôi xin nhận đến lúc đó. Ngày mai nếu không nổi tiếng nữa, tôi vui vẻ đón nhận vì đó là vòng xoay của công việc và tiếp tục hành trình hạnh phúc của mình.

Bài học lớn nhất khi ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp với anh là gì?

- Những ngã rẽ thực chất là những điều không ai mong muốn vì ai cũng muốn sống trong vùng an toàn của mình. Bởi điều đó đồng nghĩa là có sự khó khăn, có những thứ không như ý. Thế nhưng nếu không rẽ, sao chúng ta biết được hướng đi mới có thú vị không, có mang lại những điều tuyệt vời cho cuộc sống của chúng ta hay không?

Với những điều tôi đã trải qua, tôi muốn nói với mọi người rằng nếu con đường xuất hiện những ngã rẽ, hãy cứ rẽ vì đó là thử thách giúp ta trưởng thành, mạnh mẽ hơn.