Tuy nhiên, đa phần trong số họ sẽ phải đối mặt với một tương lai ảm đạm khi chứng kiến sự hoang tàn và đổ nát mà “cơn bão thế kỷ” gây ra.
Ở nhiều nơi, khi nước lũ vẫn chưa rút hết, nhà chức trách và người dân đã bắt đầu công tác tái thiết và thống kê thiệt hại. Ông Brock Long - Giám đốc cơ quan Đối phó Khẩn cấp của Mỹ (FEMA) ước tính khoảng 25% nhà cửa trên quần đảo Florida Keys đã bị phá huỷ hoàn toàn, trong khi 65% còn lại bị hư hại nghiêm trọng. Tính đến thời điểm này, bão Irma đã cướp đi sinh mạng của 12 người tại bang Florida, 4 người ở bang South Carolina và 2 người ở bang Georgia.
Bất chấp việc chính quyền bang Florida đã tiến hành một trong những chiến dịch sơ tán lớn nhất lịch sử Mỹ khi di dời 6,5 triệu người khỏi khu vực phía nam, lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận những khu vực bị cô lập tại Florida Keys, khi lo ngại con số người thiệt mạng còn có thể gia tăng do một bộ phận người dân đã phớt lờ lệnh di tản để ở lại. Trong bối cảnh vẫn còn khoảng 110.000 người đang mắc kẹt ở những khu vực tránh bão, một trong những ưu tiên khác của chính quyền bang là việc gấp rút sửa chữa và đánh giá mức độ an toàn của tuyến đường cao tốc và 42 cây cầu kết nối Florida Keys với đất liền. Qua đó đẩy nhanh công tác cứu trợ và cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Trước sự tàn phá của bão Irma, Thống đốc bang Florida Rick Scott đã kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng: “ Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, tuy nhiên tôi tin với sự đoàn kết của tất cả mọi người, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại”. Bên cạnh khoản hỗ trợ từ Chính phủ Liên bang, 31 cơ quan hành chính của bang Florida đã đóng góp 250 triệu USD nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực tái thiết. Theo đánh giá của các công ty bảo hiểm, ước tính con số thiệt hại vào khoảng 15 - 50 tỷ USD, tuy nhiên với sự hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội và từ chính quyền liên bang, dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn và nhanh chóng quay trở lại đà tăng trưởng vào cuối năm nay.