Nước Mỹ cũng trông vào Samsung

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc tuần này đã công bố kế hoạch đầu tư khổng lồ trị giá 450.000 tỷ won (356 tỷ USD) cho 5 năm tới, với mục tiêu đưa Samsung trở thành tiên phong trong nhiều lĩnh vực, từ chất bán dẫn đến sinh học.

Nhưng vượt quá biên giới quốc gia, Samsung đang mang trên mình cả quyết tâm lớn của nước Mỹ.

Chiến lược củng cố lại vị thế

Trong một tuyên bố hôm 24/5, Samsung nói rằng kế hoạch đầu tư 5 năm tới sẽ mang lại “sự tăng trưởng dài hạn trong các lĩnh vực kinh doanh chiến lược và giúp củng cố hệ sinh thái công nghiệp toàn cầu của công nghệ quan trọng”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) cùng người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tham quan dây chuyền lắp ráp tại nhà máy bán dẫn của Samsung tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 20/5. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) cùng người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tham quan dây chuyền lắp ráp tại nhà máy bán dẫn của Samsung tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 20/5. Ảnh: Reuters

Tập đoàn hứa hẹn, 80.000 việc làm mới sẽ được tạo ra từ nay cho đến năm 2026, “chủ yếu trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi bao gồm chất bán dẫn và dược phẩm sinh học”, với các khoản đầu tư mạnh mẽ vào các công ty con là Samsung Biologics và Samsung Bioepis trong lĩnh vực này.

Công ty đặc biệt lưu ý, khoản đầu tư tỷ đô sẽ mang lại một quy trình sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet - công nghệ mới nhất với ưu điểm là thu nhỏ hơn nữa kích thước của chất bán dẫn và tăng cường sức mạnh tính toán. Không bỏ lỡ công nghệ thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI) và 6G cũng sẽ là trọng tâm đầu tư khác của Samsung trong 5 năm tới.

Hiện tại, Samsung đang nghiên cứu các công nghệ tiên tiến thông qua các trung tâm AI toàn cầu tại 7 khu vực trên thế giới, đồng thời tuyển dụng và nuôi dưỡng các chuyên gia đầu ngành.

Kế hoạch mới của Samsung đã cho thấy mức tăng đầu tư hơn 1/3 so với tổng đầu tư của tập đoàn này trong 5 năm qua. “Gã khổng lồ” công nghệ hiện là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, với tổng doanh thu của tập đoàn tương đương 1/5 tổng sản phẩm quốc nội. Samsung Electronics, công ty con hàng đầu của tập đoàn, là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Thông báo được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn nhà máy bán dẫn khổng lồ ở Pyeongtaek, Hàn Quốc, của Samsung Electronics là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á đầu tiên với tư cách là ông chủ Nhà Trắng. Trong chuyến thăm nhà máy hôm 20/5, ông Biden nhấn mạnh vai trò của Samsung trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng vi mạch toàn cầu, đồng thời gọi các con chip được sản xuất tại đây là “kỳ quan của sự đổi mới” và “vô cùng quan trọng” đối với nền kinh tế toàn cầu.

Lee Jae Yong - Phó Chủ tịch của công ty và cũng là nhà lãnh đạo trên thực tế của tập đoàn Samsung hiện nay, đã tháp tùng ông Biden và Tổng thống Hàn Quốc mới nhậm chức Yoon Suk Yeol tham quan dây chuyền lắp ráp. Đây cũng là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của ông Lee kể từ khi được mãn hạn tù vào tháng 8/2021.

Lee Jae Yong - con trai duy nhất của cố Chủ tịch Lee Kun Hee - đã phải chịu hơn một nửa bản án 2 năm rưỡi tù giam vì tội hối lộ, biển thủ và các tội danh khác liên quan đến vụ bê bối tham nhũng từng khiến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị phế truất.

Những lời kêu gọi ân xá cho “Thái tử” thừa kế Samsung đã gia tăng, cả trong chính trị, công chúng và cộng đồng DN, giữa bối cảnh lo ngại rằng các quyết định chiến lược quan trọng tại “gã khổng lồ” Hàn Quốc đang bị chậm trễ vì thiếu lãnh đạo chủ chốt. Nhìn chung, sau một thời gian chìm trong bê bối của ban lãnh đạo cấp cao, sự trở lại của Samsung diễn ra vào đúng thời điểm toàn cầu rơi vào tình trạng khan hiếm chip, trong khi các đối thủ như TSMC (Đài Loan) và Intel Corp (Mỹ) đã và đang tích cực đầu tư lớn.

Theo Techwire Asia, phần lớn các vi mạch tiên tiến nhất trên thế giới thời điểm này đều được sản xuất bởi 2 công ty là Samsung và TSMC. Cả hai đều đang hoạt động hết công suất để giảm bớt tình trạng thiếu hụt toàn cầu. Nhưng nhu cầu thế giới hiện đã lớn đến điểm mà nhiều cường quốc công nghiệp lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều đang ưu tiên tăng cường cung cấp chất bán dẫn ngay tại quốc gia mình để đa dạng hóa nguồn cung.

Tính đến quý III/2021, Samsung Electronics chiếm 43,9% tổng lượng chip nhớ DRAM toàn cầu. Do đó, Samsung cho biết họ sẽ áp dụng trước công nghệ EUV để đảm bảo dẫn đầu trong phân khúc này trước những thách thức ngày càng tăng từ các đối thủ Mỹ và Trung Quốc, thậm chí chấp nhận tụt hậu về một số loại chip hệ thống.

Cụ thể, tập đoàn có kế hoạch đầu tư nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong các bộ vi xử lý ứng dụng hiệu suất cao, tiết kiệm điện và chip nguồn 5G/6G. Đối với cảm biến hình ảnh độ nét cao, Samsung đang đứng thứ 2 với thị phần ước tính là 24,9%, nhưng hãng hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách với thị phần dẫn đầu là hơn 40%.

“Nếu Samsung mở rộng khoảng cách thị phần chip nhớ… hãng có thể nhảy vọt thành một công ty duy nhất dẫn đầu cả 3 lĩnh vực bán dẫn. Củng cố vị trí lãnh đạo “siêu cấp” thông qua chiến lược ưu tiên bộ nhớ và công nghệ tiên tiến” - tuyên bố từ Samsung cho biết. Nhìn chung, Samsung dường như đã quyết định củng cố vị thế của mình bằng cách đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực mà tập đoàn này đã dẫn đầu suốt 30 năm qua trong 5 năm tới.
Kỳ vọng và áp lực song song

“Những con chip nhỏ này - chỉ dày vài nanomet - là chìa khóa để thúc đẩy chúng ta bước vào kỷ nguyên phát triển công nghệ tiếp theo” - Tổng thống Mỹ Biden phát biểu khi tới thăm nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics hôm 20/5 - “Hai quốc gia Mỹ và Hàn Quốc cần phối hợp hơn nữa để tạo nên công nghệ tốt nhất, tiên tiến nhất trên thế giới, và nhà máy này là bằng chứng cho điều đó”.

Nhà máy ở Pyeongtaek hiện đang sở hữu một số dây chuyền sản xuất chip nhớ và sản xuất chip theo hợp đồng tiên tiến nhất của Samsung, cũng là địa điểm sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Năm ngoái, Samsung đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến trị giá 17 tỷ USD ở Taylor, Texas (Mỹ) nhằm tăng thêm vị thế của hãng ở bang mà họ đã vận hành một nhà máy lâu đời, đóng tại Austin. Nhà Trắng cho biết, nhà máy Pyeongtaek đóng vai trò là hình mẫu cho nhà máy mới ở Texas.

Trong khi đó, Tổng thống Biden đã thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật rộng lớn hơn để tăng cường khả năng cạnh tranh của nước này với Trung Quốc, bao gồm khoảng 52 tỷ USD tài trợ để mở rộng sản xuất chất bán dẫn trong nước nghiên cứu và phát triển.

Tháng 3 năm nay, Chính phủ Washington đã đưa ra một đề xuất được gọi là Liên minh Chips cho các cường quốc sản xuất chip ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) - động thái mà giới quan sát nhận định là nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục đối với chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Hơn hết, là một khía cạnh của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, việc khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) hôm 23/5 đã trở thành một trong những sứ mệnh chính của Tổng thống Biden tại châu Á. Trong đó, một trụ cột của IPEF là chuỗi cung ứng ổn định, và đây được tin là lý do tại sao ông chủ Nhà Trắng chọn Samsung là nơi dừng chân đầu tiên tại Hàn Quốc.

Rõ ràng, kỳ vọng vào Samsung đã vượt khỏi biên giới Hàn Quốc, nhưng đi kèm là những áp lực chính trị không nhỏ từ khả năng “kẹt giữa” cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Liên quan đến vấn đề này, Chung Young June - một học giả Hàn Quốc hiện làm việc tại Đại học Tongji - lưu ý rằng Chính phủ Seoul đã nhấn mạnh việc tham gia IPEF không nhằm chống lại Bắc Kinh.

“Đây cũng là lập trường mà Hàn Quốc đã đưa ra khi quyết định tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - không đi ngược lại với Mỹ” - ông Chung nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần