Tổng thống Putin được sinh ra vào ngày 7/10/1952 ở Leningrad (ngày nay là St Petersburg) trong một gia đình bình dân. Bố ông từng là hải quân sau đó trở thành bảo vệ và cuối cùng là đốc công ở một nhà máy, còn mẹ ông cũng là một công nhân.
Ngay từ khi còn niên thiếu, Putin đã thể hiện tài năng của mình trong cả võ thuật và việc học tập. Giáo viên của Putin đã nhận ra sự sáng dạ của ông và để mắt đến ông nhiều hơn. Mặc dù trước đó ông không thực sự hứng thú với việc học tập, nhưng kể từ năm lớp 6, ông đã thay đổi hoàn toàn thái độ của mình và dễ dàng đạt kết quả tốt. Sau đó ông đỗ vào Trường Trung học Phổ thông số 281, một ngôi trường danh tiếng.
Vladimir Putin đã sớm có khao khát gia nhập Ủy ban an ninh quốc gia (KGB). Sau khi tốt nghiệp khoa luật Đại học Quốc gia Leningrad vào năm 1975, ông đã được tuyển dụng vào KGB.
Ông Putin đã làm việc tại Đông Đức với tư cách là điệp viên của KGB kể từ năm 1985, sau đó giải nghệ vào năm 1991 và bắt đầu làm trợ lý cho thị trưởng thành phố St Petersburg. Vào năm 1994, ông nắm giữ chức vụ phó thị trưởng thành phố St Petersburg.
Năm 1996, ông Putin cùng gia đình chuyển tới Moscow, và bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.
Năm 1997, ông làm việc trong chính phủ của cựu Tổng thống Boris Yeltsin, sự nghiệp chính trị của ông phát triển rất nhanh.
Tháng 8 năm 1999, Vladimir Putin được ông Boris Yeltsin chỉ định làm Thủ tướng Nga. Tiếp đó vào ngày 31/12/1999, ông Boris Yeltsin đã từ chức, và chỉ định ông Putin làm Tổng thống lâm thời.
Ngày 26/3/2000, ông Putin chính thức được bầu làm Tổng thống của nước Nga, và đã nắm giữ chức vụ này trong 2 nhiệm kì liên tiếp. Theo Hiến pháp Nga, ông Putin đã không thể giữ chức Tổng thống trong 3 nhiệm kì liên tiếp, vì vậy sau cuộc bầu cử năm 2008, ông giữ chức vụ Thủ tướng.
Năm 2012, ông Putin một lần nữa giành được chức vụ Tổng thống và tiếp tục đắc cử trong cuộc bầu cử 2018. Ngày 7/5, ông Vladimir Putin chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống lần 4. Sau nhiệm kỳ này, ông sẽ là lãnh đạo cầm quyền lâu nhất của nước Nga sau ông Stalin.
Kể từ khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 2000, nhiều sự thay đổi lớn đã đến với nước Nga và cả thế giới.
Với chính sách đối ngoại chuyển hướng sang khu vực châu Á, nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã trở thành những đối tác hàng đầu của Nga.
Ông Putin cũng đã cải cách mạnh mẽ bộ máy quân sự, tạo ra sức mạnh đủ để đối trọng với khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giúp Nga thoát khỏi chính sách miễn cưỡng hợp tác với NATO dưới thời Tổng thống Yeltsin.
Những thay đổi tích cực nhất của Nga dưới thời ông Putin được biểu hiện qua việc GDP của Nga đã tăng gấp 3 lần, từ 9.889 USD vào trước năm 2000 lên đến gần 28.000 USD vào năm 2017. Tỷ lệ lạm phát tại Nga đã giảm từ 36,5% xuống còn 2,5% vào cuối năm 2017. Nợ nước ngoài của Nga cũng đã giảm mạnh trong khi dự trữ vàng tăng đáng kể.
Tuy nhiên, chính sách cứng rắn của ông Putin cũng đã đem lại nhiều hệ lụy tới không chỉ cho Nga mà còn cho toàn thế giới.
Việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã làm bùng lên cuộc khủng hoảng chính trị toàn cầu lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, dẫn tới việc phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Nga, mà dẫn kéo dài tới nay.
Tiếp đó, Nga chịu nhiều cáo buộc như việc can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh năm nay. Và gần đây nhất là vụ việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Những vụ việc này làm cho mối quan hệ quốc tế của Nga càng thêm tồi tệ.
Theo nhận xét của nhà phân tích chính trị Dmitry Oreshkin: “Nga chưa từng bị cô lập đến thế này kể từ sau chiến tranh Xô Viết ở Afghanistan.”