Nước Nhật hồi sinh thần kỳ sau thảm họa
Tuy nhiên, sự hồi sinh thần kỳ của nước Nhật sau thảm họa đã làm cả thế giới phải kính phục.
Kiên cường vượt qua nỗi đau
Ngày 11/3/2011, vùng bờ biển đông bắc Nhật Bản phải hứng chịu trận động đất mạnh 9 độ Richter và những cơn sóng thần cao tới 15m, cướp đi sinh mạng của 15.854 người, 6.023 người bị thương trong khi 3.276 người vẫn mất tích. Hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại và phá hủy hoàn toàn, gây thiệt hại lên tới hơn 300 tỷ USD. Đặc biệt, thảm họa còn gây ra cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khiến cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khu vực này bị đảo lộn hoàn toàn.
Trong vòng một thế kỷ qua, Nhật Bản đã phải trải qua 24 vụ động đất mạnh từ 6 độ Richter trở lên, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, gây thiệt hại nặng về tài sản. Nhưng với nhiều người, họ luôn mong thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3 năm ngoái chỉ là một cơn ác mộng đã qua. Với truyền thống kiên cường, bằng nhiều cách khác nhau, người dân Nhật Bản đã cố gắng nhanh chóng vượt qua nỗi đau như là một sự bù đắp cho những mất mát đã qua. Tại thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi, 1.131 em nhỏ may mắn thoát chết trong trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái đã tham gia vẽ tranh theo chủ đề: "Thành phố quê hương em trong tương lai". Những bức tranh tràn ngập màu sắc tươi sáng của các em bé vùng Kesennuma đã giúp mọi người dân trong khu vực dũng cảm thích nghi với hoàn cảnh.
Vòng tay bè bạn
Đặc biệt, ngoài tính kỷ luật và tinh thần quả cảm, người dân các vùng thiên tai của Nhật Bản còn nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ bè bạn quốc tế để gây dựng lại cuộc sống. Ngay sau động đất, các đoàn cứu hộ quốc tế của nhiều nước đã có mặt, giúp tìm kiếm người bị nạn, xây dựng các khu tạm trú và dọn dẹp hàng nghìn tấn rác thải thiên tai. Theo thống kê chính thức, dọc theo vùng Đông Bắc gặp thảm họa, hơn 1 triệu người đã tham gia các hoạt động tình nguyện, ngoài ra còn có những người khác đã nhiều lần tới các địa điểm khó khăn nhất. Jamie El Banna, một thanh niên 26 tuổi sống tại London, mới từ Osaka tới Ishinomaki (tỉnh Miyagi) để tham gia hoạt động tình nguyện cho biết dù bất đồng về ngôn ngữ nhưng họ đã có cách liên lạc riêng là "bằng trái tim". Rất nhiều lưu học sinh tại Việt Nam cũng tích cực tham gia hoạt động tại thành phố Rikuzen Takata, tỉnh Iwate - nơi từng được báo chí miêu tả là "bị quét sạch khỏi bản đồ" sau thảm họa hôm 11/3.
Bản thân người Nhật trong khó khăn vẫn thể hiện tinh thần tương thân tương ái với những người nước ngoài học tập và sinh sống tại địa phương. Chính những nghĩa cử cao đẹp này đã trở thành động lực thúc đẩy các du học sinh, lao động nước ngoài nhanh chóng quay trở lại các vùng bị thiên tai của Nhật Bản, chung tay tái thiết khu vực nhằm đền đáp cho người dân nơi đây.
Mặc dù đã đạt được những bước tiến kinh ngạc trong việc dọn dẹp đống đổ nát nhưng Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức để hoàn thành công cuộc tái thiết đất nước. Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt được mức trước thảm họa, việc khử xạ quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima sẽ tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt điện hạt nhân, khiến Nhật Bản phải nhập khẩu than, dầu lửa và khí đốt nhiều hơn, gây nên tình trạng thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, Giáo sư Kiyoshi Kurokawa của Đại học Tokyo cho rằng, hơn lúc nào hết người dân và Chính phủ Nhật Bản cần phải đối phó với hậu quả thảm họa 11/3 bằng cách coi đó là cơ hội lớn để tái thiết một đất nước tốt đẹp hơn.