Còn nhớ ngày 6/5 năm ngoái, ông Hollande đã mang lại niềm vui tột đỉnh cho các thành viên của Đảng Xã hội và những cử tri ủng hộ họ khi ông giành tới 58% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, đưa Đảng Xã hội trở lại lãnh đạo nước Pháp sau 17 năm vắng bóng.
Liệu chính quyền của Tổng thống Hollande có đủ năng lực và bản lĩnh đưa nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng hay không? |
Nhưng niềm vui đó đã nhanh chóng bị thế chỗ bởi những lo âu và bộn bề lo toan do ông Hollande lên nắm quyền trong tình cảnh "khó người khó ta." Vì thế mà một năm sau, tỷ lệ ủng hộ ông cũng như hài lòng với những gì ông đã làm được trượt xuống chỉ còn vẻn vẹn 25%.
Không thể phủ nhận rằng chính quyền của Tổng thống Hollande đã phải đảm nhận một sứ mệnh hết sức gian nan. Cũng như những đầu tàu kinh tế khác của Khu vực đồng euro (Eurozone), nước Pháp vừa phải chống đỡ với những khó khăn nội tại, vừa phải gánh vác một phần vai trò cứu cánh những nền kinh tế yếu kém đang bên bờ sụp đổ trong Eurozone.
Tỷ lệ thất nghiệp 11,5% được công bố cuối tháng Tư vừa qua đã thực sự gây sốc bởi đây là con số kỷ lục ở Pháp trong vòng 16 năm qua. Mọi chỉ số kinh tế khác đều đáng buồn như tăng trưởng trong năm 2012 ở con số 0, sức mua của người dân giảm, xuất khẩu kém, lòng tin của các nhà đầu tư không được cải thiện, thâm hụt ngân sách không đạt mục tiêu 4,5% GDP mà vẫn ở mức 4,8% GDP,...
Đó là chưa kể một số vụ bê bối trên chính trường đã "góp phần" làm giảm uy tín của Tổng thống đương nhiệm, trong đó có vụ Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac phải từ chức vì bị cáo buộc trốn thuế. Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng kinh tế Pháp sẽ tiếp tục ảm đạm và có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm nay càng cho thấy đối với ông Hollande, đỉnh điểm khó khăn đang chờ ở phía trước.
Một số tờ báo lớn của Pháp trong những ngày qua đã không ngừng mổ xẻ để đánh giá liệu chính quyền của Tổng thống Hollande có đủ năng lực và bản lĩnh đưa nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng hay không, và họ liệt kê những gì ông đã hứa để chỉ ra những gì mà họ cho là ông thất hứa.
Chẳng hạn như ông từng cam kết sẽ đảo ngược đà tăng tỷ lệ thất nghiệp, nhưng thất nghiệp không những không giảm mà còn xấp xỉ con số kỷ lục của tháng 1/1997; hay ông hứa không tăng thuế VAT để tránh làm ảnh hưởng tới các hộ có thu nhập thấp thì chính phủ lại tăng thuế này đối với hai bậc (từ 7% lên 10% và từ 19,6% lên 20%)...
Vậy là có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan cho thực trạng nước Pháp hiện nay. Lý giải về tính nghiêm trọng của tình hình và sự bất lợi của Tổng thống đương nhiệm, nhật báo Tiếng vang (Les Echos) trong một bài viết đã trích đăng phát biểu của ông Hollande thừa nhận rằng ông nhậm chức trong một thời kỳ đặc biệt khó khăn, cả trên lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị, chưa kể nước Pháp còn đi đầu trong chiến dịch quân sự tại Mali.
Giới phân tích lại có chung nhận định rằng chính quyền Hollande chưa đưa ra được một giải pháp tổng thể để hài hòa các mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm, vừa giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.
Tất nhiên, một năm vừa qua mới chỉ là chặng đầu tiên trong cả quãng đường dài 5 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Hollande. Nhiệm vụ của ông lúc này là phải luôn vững vàng và phải nhìn xa trông rộng, phán đoán được những “cơn bão” có thể xảy đến bất kỳ lúc nào để ứng phó kịp thời.
Dẫu sao, sự tín nhiệm của người dân ở mức quá khiêm tốn như hiện nay cũng là một lời cảnh tỉnh đối với ông trong sứ mệnh vực dậy nền kinh tế và lấy lại hình ảnh một nước Pháp vững mạnh trong Liên minh châu Âu. Dân gian có câu "mọi sự khởi đầu nan", nhưng làm thế nào để "cái khó ló cái khôn" thì Tổng thống Hollande cùng êkíp của ông cần sớm có câu trả lời.