Nước sạch nông thôn: Người dân chưa mặn mà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, nước sạch cho người dân khu vực ngoại thành luôn là vấn đề “nóng”, được TP đặc biệt quan tâm.

Dù vậy, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hiện còn rất thấp. Một trong những nguyên nhân là nhận thức còn chưa đầy đủ của một bộ phận người dân trong việc tiếp cận nguồn nước đảm bảo an toàn.

Trạm cấp nước sạch hoạt động... cầm chừng
Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn TP được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh là 92,21%; tuy nhiên, chỉ có 33,78% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.
Dù đã có trạm cấp nước (TCN) sạch nhưng nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân thôn Phương Hạnh, xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn sử dụng nước từ bể chứa nước mưa, giếng khoan, thậm chí là giếng khơi. Theo chia sẻ của người dân nơi đây, họ chỉ sử dụng nước từ TCN vào mùa khô, khi nguồn nước mưa, nước ngầm hạn chế. Còn vào mùa mưa, dùng nước từ các nguồn khác sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Cũng bởi vậy mà TCN ở thôn Phương Hạnh gần như chỉ hoạt động vào mùa khô.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho biết, do số lượng người dân sử dụng nước sạch hạn chế, lại chỉ muốn dùng vào mùa khô nên TCN hoạt động rất cầm chừng. Huyện có ý bàn giao cho HTX, DN tư nhân quản lý vận hành, đầu tư, nhưng bản thân các đơn vị này cũng không mặn mà.

Tình trạng người dân thờ ơ với TCN nước sạch còn phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn TP. Đơn cử như, TCN xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) có công suất thiết kế 500m3/ngày đêm, nhưng hiện mới chỉ vận hành được 150m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước sạch cho khoảng 85% hộ dân thôn Cự Đà. Trong khi ở các thôn, xóm khác, người dân vẫn trung thành với việc sử dụng nguồn nước từ bể chứa nước mưa, giếng khoan… Bà Nguyễn Thị Việt – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư nước sạch và Môi trường Hùng Thành cho biết thêm, tại TCN xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) do đơn vị này quản lý, hệ thống đường ống dẫn nước sạch dài trên 2km, đủ phục vụ đấu nối nước sạch cho trên 300 hộ dân, nhưng đến nay mới chỉ có 60 hộ đăng ký sử dụng.

Từng bước thay đổi thói quen

Việc nhiều người dân khu vực ngoại thành không mặn mà với nước sạch ngoài yếu tố về phí dịch vụ chi trả, còn là thói quen, hay rộng hơn là nhận thức của người dân đối với vấn đề nước sạch.

Nhằm từng bước thay đổi thói quen sử dụng nước sạch của người dân, theo ông Lê Văn Dương – Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), “chìa khóa” chính là làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. Dù vậy, do nguồn kinh phí có hạn nên công tác này mới chỉ đạt được hiệu quả bước đầu.
Nhiều người dân ở nông thôn vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng khoan.  		Ảnh: Lâm Nguyễn
Nhiều người dân ở nông thôn vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng khoan. Ảnh: Lâm Nguyễn
Trên thực tế, để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2015 có 60% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, TP đã đầu tư xây dựng, cải tạo 34 TCN; thực hiện 7 dự án cấp nước sạch khác do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tuy nhiên, những nỗ lực để xây dựng hạ tầng sẽ khó phát huy được hiệu quả nếu người dân vẫn "ngoảnh mặt" với việc sử dụng nước sạch. Do vậy, trong thời gian tới, công tác thông tin tuyên truyền cần được TP quan tâm nhiều hơn. Cùng với đó, Sở NN&PTNT cần sớm khảo sát, đánh giá về hiệu quả của truyền thông nước sạch hiện nay. Từ đó rút kinh nghiệm, tổ chức cách thức tuyên truyền phù hợp hơn, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả của công tác này.