Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước sinh hoạt nhiễm bẩn tại các khu đô thị: Dân khổ vì quả bóng trách nhiệm

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để gỡ “thẻ đỏ” nước sinh hoạt tại nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, giới chuyên gia thẳng thắn cho rằng phải bỏ ngay vòng luẩn quẩn xử lý kiểu… chữa cháy. Nếu chủ đầu tư lẫn các bên liên quan còn tư tưởng: Bẩn mới kiểm tra, chất lượng nước sạch khó chuyển biến.

Uống “bệnh” vào người
Khi nghi án nước sinh hoạt bị nhiễm độc tại Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng) còn nguyên tính thời sự, tiếng kêu cứu của các cư dân Khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông), H2 Hòa Bình Green City (Minh Khai)… tiếp tục nối gót. Điểm tương đồng tại các nơi này chính ở tình trạng nước ăn bị vẩn đục (thậm chí có thời điểm đen như... nước cống).
 Hệ thống máy móc mất an toàn vệ sinh tại nhà máy nước của Công ty CP Đầu tư Công nghệ môi trường Việt Nam. Ảnh: Vân Hằng
Chị Nguyễn Hương My, chủ căn hộ 2807B2 Hòa Bình Green City bức xúc: Trước đây, chủ đầu tư cam kết trong hợp đồng, các căn hộ đều có chất lượng 6 sao, hệ thống nước sinh hoạt đạt chuẩn RO, đảm bảo độ tinh khiết với hệ thống xử lý được áp dụng đầu tiên ở Hà Nội. Người dân yên tâm sử dụng (thậm chí vặn vòi uống trực tiếp được). Tuy nhiên, thực tế hiện tại, khi xả nước từ vòi, chỉ có một màu nước đen ngòm. Bằng mắt thường, không cần trải qua các quy trình xét nghiệm, cũng dễ dàng nhận thấy nước có vấn đề. Nước tinh khiết chuẩn RO đâu chẳng thấy, chỉ lo uống “bệnh” vào người.

Trong khi đó, tại Khu đô thị Tân Tây Đô tình hình bi đát không kém. Ghi nhận từ những phản ánh của cư dân cho thấy, nước sinh hoạt tại đây có hàm lượng asen (hay còn gọi là thạch tín) cao gấp 3 - 6 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Dù câu chuyện nước sinh hoạt nhiễm bẩn diễn ra suốt từ năm 2014 đến nay nhưng các bên liên quan liên tục đùn đẩy trách nhiệm, người dân đứng giữa chịu thiệt.

Cha chung không ai khóc

Với thực tế này, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng khẳng định: Các chủ đầu tư khu đô thị Tân Tây Đô không thể vô can. Việc Chủ đầu tư Hải Phát nói chỉ là người mua nước của Công ty CP Đầu tư và Công nghệ môi trường Việt Nam cấp cho dân, còn nước sạch hay nước bẩn như thế nào không biết là trốn tránh trách nhiệm. Biết rõ nước bẩn, vẫn ký hợp đồng mua cho dân rồi trả lời như vậy là không đúng. Huyện theo chỉ đạo của Sở Xây dựng sẽ giám sát chủ đầu tư trong vòng 15 ngày tới đây (kể từ ngày 21/8) phải có nước sạch cho dân.

"Trước khi mua nhà, cư dân là thượng đế. Nhưng, mọi thứ đảo chiều lúc về ở. Chủ đầu tư ở thế cầm chuôi, còn cư dân luôn phải “rồng rắn” đi đòi quyền lợi dịch vụ (bao gồm nước sạch sinh hoạt). Thực tế, nếu quá trình sinh sống tại tòa nhà xảy ra tình trạng nước nhiễm bẩn, gây tác hại tới sức khỏe của cư dân, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan kiểm tra, xử lý để cung cấp nước sạch. Trong trường hợp chủ đầu tư chây ỳ, lâu không xử lý, cần có sự vào cuộc của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, luật sư để bảo vệ quyền lợi của cư dân.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng" - Đoàn luật sư TP Hà Nội

Lý giải nguyên nhân tình trạng “cha chung không ai khóc”, theo giới chuyên môn, hiện theo quy định các đơn vị, công ty cấp nước sạch có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước đến đồng hồ tổng trước khi chảy vào hệ thống bể ngầm của các khu đô thị. Sau đó đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi nước sinh hoạt tới từng căn hộ lại chưa quy định rõ.

Rõ ràng chất lượng nước sau đồng hồ tổng của Ban Quản lý tòa nhà, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Nhưng để giám sát chặt chẽ chất lượng nước sạch cần phải xây dựng quy chế về việc cấp nước sạch ở các khu đô thị, chung cư. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong trường hợp nước cung cấp tới từng hộ dân không đảm bảo. Ngoài ra, phải có quy định cụ thể về việc các tòa nhà chung cư tiến hành thau rửa bể chứa, kiểm tra hệ thống cấp nước định kỳ với tần suất như thế nào?

“Hệ thống bể chứa, cung cấp nước của tòa nhà chung cư khi đưa vào sử dụng cũng phải được kiểm định thường xuyên. Tương tự như việc kiểm định hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hay hệ thống thang máy của tòa nhà… Nước sinh hoạt nhiễm bẩn không gây chết người ngay lập tức như các vụ hỏa hoạn, cháy nổ. Song, nó ngấm vào bên trong cơ thể và ăn mòn từ từ. Không chỉ có một thế hệ mà nhiều đời sau cũng có thể ảnh hưởng. Trong khi, số lượng các khu đô thị cao tầng rất lớn, nhiều khu có hàng nghìn căn hộ với dân số bằng cả một phường” - PGS.TS Trần Đức Hạ - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường khuyến nghị.

Chủ đầu tư không vô can

Các chuyên gia cho rằng, chất lượng nước hiện nay nhìn chung chỉ kiểm định theo phương pháp truyền thống. Cụ thể trong quá trình lấy mẫu nước xét nghiệm ở bể chứa khu nghi vấn, nguồn nước đó vẫn được cung cấp đến người sử dụng. Nghịch lý ở chỗ, khi có kết quả xét nghiệm nước không đảm bảo (có thể nhiễm độc), lượng nước bẩn này đã được rất nhiều người sử dụng. Một bể chứa khu chung cư thường có khối lượng hàng trăm mét khối, nếu vẫn giám sát, kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt theo kiểu “chữa cháy”, tức là kiểm tra khi có phản ánh, kiểm tra theo định kỳ mà thiếu quy chế quản lý, quy định từ đầu sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng nghìn người sử dụng.

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngoài việc đảm bảo nguồn nước cung cấp thường xuyên, một trong những vấn đề người dân chung cư trên địa bàn quan tâm hiện nay là chất lượng nước sinh hoạt. Thế nhưng, thực tế các Ban Quản lý tòa nhà, Ban Quản trị nhà chung cư và chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm của họ. Dịch vụ hậu mãi bán hàng kém, thậm chí có dấu hiệu “đem con bỏ chợ”. Trong khi sự vào cuộc của một số địa phương đối với vấn đề này chưa quyết liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của cư dân.