Mặc dù hơn 1 tháng qua, cầu phao Phong Châu đã được đưa vào sử dụng, mỗi ngày phục vụ đắc lực cho hàng nghìn lượt người và phương tiện. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ, cần có một công trình cầu Phong Châu mới được xây dựng.
Đó là mong mỏi của đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt là những người, những gia đình đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố sập cầu Phong Châu.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước trên sông Hồng tại Phú Thọ dự báo ngày 7/11 ở mức 12,3m. So với đỉnh lũ được ghi nhận vào ngày 10/9 ở mức 18m, hiện mực nước sông Hồng đã giảm gần 6m.
Theo ghi nhận thực tế, với mực nước hạ thấp, phần còn lại của cầu Phong Châu, móng trụ cầu T6 đã lộ rõ. Phần mố trụ của nhịp T6 cách mặt nước khoảng 50cm.
Để đảm bảo tiến độ xây dựng cầu Phong Châu mới theo chỉ đạo của Chính phủ, Sở GTVT Phú Thọ đã lên phương án phá dỡ các nhịp, trụ còn lại của cầu Phong Châu cũ.
Dự kiến công tác phá dỡ này sẽ mất khoảng 45 ngày với kinh phí thực hiện gần 8,5 tỷ đồng.
Theo phương án phá dỡ, sẽ huy động từ 30 - 40 người tổ chức làm 2 mũi thi công, mũi 1 bên phía huyện Lâm Thao xử lý nhịp 1-5 và mũi 2 bên phía huyện Tam Nông xử lý nhịp số 8.
Trước đó, tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án xây dựng cầu Phong Châu mới của tỉnh Phú Thọ, các bộ, ngành thống nhất áp dụng cơ chế đặc thù trong lựa chọn nhà thầu và khởi công dự án trong tháng 12/2024.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã yêu cầu Bộ GTVT, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các nhà thầu phải hoàn thành thi công móng cầu trước tháng 4/2025, trước khi mùa mưa bão bắt đầu, sau đó tiến hành các hạng mục công trình khác để hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.