Nuôi cá cảnh - Thú chơi Tết tao nhã của người Hà Thành

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi cây cảnh là thú chơi của nhiều bậc trung niên đến tiền bối ở Hà Nội thì cá cảnh giờ đây đã trở thành thú chơi lành mạnh thu hút từ giới trẻ đến các đại gia nhiều tiền.

KTĐT - Khi cây cảnh là thú chơi của nhiều bậc trung niên đến tiền bối ở Hà Nội thì cá cảnh giờ đây đã trở thành thú chơi lành mạnh thu hút từ giới trẻ đến các đại gia nhiều tiền.

Tết Nguyên đán đến, nhiều người náo nức trang hoàng lại nhà cửa để đón xuân về. Người trang trí thêm vài chậu cây, người trồng thêm vài khóm hoa. Và có không ít người Hà Nội lại coi cá cảnh như một thú chơi tao nhã vào dịp Tết Nguyên đán.

Khi cây cảnh là thú chơi của nhiều bậc trung niên đến tiền bối ở Hà Nội thì cá cảnh giờ đây đã trở thành thú chơi lành mạnh thu hút từ giới trẻ đến các đại gia nhiều tiền.

Mỗi lứa tuổi lại tìm thấy một thể loại cá cảnh cho riêng mình và nơi để thể hiện bản thân qua thú chơi đa dạng này.

Các bạn học sinh có thể tự sắm cho mình một bể cá nhỏ với loại cá vài chục nghìn đồng một đôi. Tầng lớp trung lưu thích trang trí cho ngôi nhà của mình một bể trồng cây thủy sinh xanh mát vừa phải. Người chơi có thu nhập cao hơn thì chơi bể nước mặn - đại dương thu nhỏ trong nhà.

Những nhà có diện tích vườn, hay có nhu cầu làm đẹp một góc cầu thang, một góc sân thượng hoặc giếng trời lại sắm cho mình một hồ nước với hệ thống lọc chuyên dụng thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản để nuôi cá chép Koi Nhật.

Một lý do khác khiến cho việc chơi cá cảnh ngày càng được ưa chuộng là “khoản” chăm sóc cá bây giờ đã đơn giản hơn nhiều. Từ thức ăn của cá đến việc làm sạch bể... đều có sẵn hoặc có máy móc và dịch vụ chăm sóc chuyên môn của công ty cá cảnh đến làm hộ.

Với nhu cầu ngày càng tăng cao của thú chơi, đồng thời cũng là công cụ trang trí nội thất này, thị trường Hà Nội càng sôi động với nhiều loại cá cảnh chưa từng có từ trước tới nay.

Với các loại cá nhỏ và rẻ tiền như bảy màu, hồng tử kỳ, mún ba mầu, mún đỏ, sóc đầu đỏ, phấn hồng kỳ, cầu vồng xanh, giếc anh đào, chuột chấm các mầu, kiếm đỏ, bảy mầu rừng... thì người chơi hay mua ở cửa hàng bán cả cảnh ở phố Hàng Đậu, Nguyễn Trường Tộ hoặc các chợ của Hà Nội như Thành Công, Bạch Mai....

Chỉ với khoảng 500.000 đồng, người chơi đã có một chiếc bể dài mấy chục cm, một bộ thổi oxy, một bộ hút chất thải, vài đồ trang trí dưới nước, bóng đèn... Các loại cá nhỏ này cũng là những loại cá cảnh thích hợp thả trong bể thủy sinh vì chúng không ăn cây trong bể. Bể cá thủy sinh được mệnh danh là một “thiên nhiên xanh thu nhỏ” trong góc nhà.

Chị Phương Ngọc, đại diện công ty Cá cảnh Aquagreen, cho biết: "Chơi thủy sinh đòi hỏi những yêu cầu khá cao trong thiết kế thẩm mỹ cho phong cảnh thiên nhiên trong hồ và phần tạo nền của hồ thủy sinh phải đảm bảo được dùng các loại phân nền có đủ dưỡng chất để cây thủy sinh phát triển tốt như ADA, GEX (Nhật Bản) hoặc các loại phân nền tương đương được sản xuất tại Việt Nam..."

Theo chị, người chơi cần phải tuân thủ các yêu cầu về bật, tắt đèn thủy sinh, một loại “mặt trời” tạo ánh sáng tự nhiên giúp cây thực hiện quá trình quang hợp, cắt bớt ngọn khi cây mọc quá tốt, chăm sóc bể một cách định kỳ.

Dân chơi thủy sinh ngày nay cũng khá ưng ý khi nhiều cửa hàng cá cảnh uy tín đã có dịch vụ chăm sóc bể tại nhà. Gia chủ chỉ việc ngắm và khoe bể, hàng tháng lại có người đến tỉa tót, làm đẹp cho bể với chi phí phải chăng từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Với các loại bể như “đại dương thu nhỏ”, người chơi bể cá nước mặn lại “khoe” các loại sinh vật thuộc về biển như: san hô, quỳ, các loại cá: hoàng gia, đôminô, hoàng đế, nemo, bê vàng, bóng lửa, bống chuồn, bác sỹ (cá mátxa), cá ngựa, thia xanh, thia cam, thia lá mạ, bắp nẻ, ngòi bút, kẽm hoa lan, hoàng yến, hoàng anh đen, khoang cổ cam, khoang cổ hồng...

Theo ông Đỗ Năm, chuyên gia kỹ thuật nước mặn của công ty cá cảnh Việt Nam, thì bể cá “đại dương thu nhỏ này” phải đặc biệt chọn công ty uy tín để thiết kế hệ thống lọc cho “đại dương”, cấy vi sinh cho hệ thống nước biển.

Ông cũng cho rằng thức ăn phải là loại canxi chuyên dụng-chỉ được bày bán ở một số công ty cá cảnh uy tín-thì san hô, quỳ mới nở rực rỡ như khi còn ở dưới đáy đại dương và các loại cá biển mới có thể phát triển màu sắc rực rỡ được.

Những người có thu nhập cao và thích các loại cá to hơn như cá đĩa, cá la hán, sam, thái hổ, thần tiên, hỏa long, hoàng bảo yến, tì bà, hoàng phi phụng,... và thường nuôi chúng trong các bể ít cây thủy sinh hơn, bể gỗ lũa.

Đáng chú ý, nhóm người chơi cá rồng thường là các “đại gia” bởi chi phí để nuôi loại cá này không hề nhỏ. Cá rồng nói chung có màu lấp lánh bạc nên được coi như biểu tượng của Kim - tiền bạc.

Họ còn trang trí bể cá rồng trong nhà hoặc văn phòng như một biểu tượng về phong thủy, tài lộc và quyền lực. Cá rồng là loài cá nguyên thủy có từ khoảng hơn 200 triệu năm trước.

Đây là loại cá có tuổi thọ cao trong các loài cá được nuôi làm cảnh, khoảng từ 18 đến 20 năm. ở các vùng lãnh thổ châu Á chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa Trung Hoa, nhiều doanh nhân có thói quen nuôi cá rồng để cầu sự may mắn và thịnh vượng.

Theo quan niệm của họ, cá rồng màu đỏ được nuôi để tránh xui xẻo, mang lại may mắn. Còn cá rồng vàng, trắng được cho sẽ đem lại tài lộc, quyền lực và sự thăng tiến trong sự nghiệp. Là loài cá quý hiếm như vậy, cá rồng đã được đưa vào trong sách đỏ thế giới để được gìn giữ và phát triển.

Chơi cá rồng đòi hỏi người chơi bỏ ra nhiều công sức cũng như tài chính.

Với sự đi lên mạnh mẽ của phong trào chơi cá rồng trong giới doanh gia nước ta, mấy năm gần đây, có những siêu thị cá cảnh chuyên về cá rồng (ngõ 162 Nguyễn Văn Cừ) hoặc cửa hàng cá chuyên phục vụ các nhu cầu về thiết kế thi công bể và hệ thống lọc chuyên dụng cho cá rồng cũng như các chủng loại cá rồng theo nhu cầu phong thủy...

Cùng chơi cá cảnh nhưng mỗi người chơi lại một vẻ, tùy thuộc vào sở thích, điều kiện tài chính.

Không kém gì thú chơi chữ, chơi tranh, đá, gỗ... của người xưa, chơi bể cá, hồ cá của dân “chơi” hiện nay cũng đang trở thành một thú chơi tao nhã và ngày càng có nhiều nấc thang nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải kỳ công chinh phục./.