“Cá sông Đà” là thương hiệu nổi tiếng, sự ghi nhận giá trị bổ dưỡng, tươi ngon của cá sông Đà trong văn hóa ẩm thực Việt cuốn hút thực khách. Lưu vực sông Đà hiện có 174 loài cá thuộc 85 giống, 19 họ, 6 bộ. Trong đó có tới 19 loài có giá trị kinh tế cao, 8 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Hiện nay, nghề nuôi cá lồng ở một số địa phương như Minh Quang, Tòng Bạt đang phát triển khá tốt. Huyện đang tiếp tục nghiên cứu để xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất thủy sản. Mở các lớp tập huấn cho người dân để tăng hiệu quả, giảm bớt ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh cho cá. Quản lý chặt các hoạt động về cung cấp giống, thức ăn, xử lý các trường hợp dịch bệnh, thiên tai, chú trọng bảo vệ môi trường nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần Trong quá trình nuôi bà con lưu ý chọn vị trí đặt lồng nơi có dòng nước chảy nhẹ,độ sâu từ 2m trở lên, neo, giữ lồng chặt, tránh rách lưới hoặc trôi lồng thuận lợi về giao thông để tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. - Lựa chọn kích cỡ con giống đảm bảo tốt nhất từ 8 - 12cm. Tùy từng loại cá nuôi để thả nuôi với mật độ phù hợp.- Thức ăn phải đảm bảo chất lượng, hàng tuần bổ sung thêm VTM C tăng sức đề kháng cho cá.Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì Trần Đức Tĩnh |
Nuôi cá lồng trên sông Đà: Hướng đi mới ở Minh Quang
Kinhtedothi - Những năm gần đây, người dân xã Minh Quang, huyện Ba Vì đã tận dụng mặt nước của dòng sông Đà để phát triển nghề nuôi cá lồng.
Nghề này tuy mới mẻ nhưng hứa hẹn sẽ mở ra một hướng sản xuất mới giúp người dân nơi đây tăng thu nhập góp phần nâng cao đời sống...
Hiệu quả ban đầu
Xã Minh Quang, huyện Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi có chiều dài 9km ven sông. Sông Đà đoạn chảy qua đây quanh năm lắng lại hiền hòa. Dòng nước xanh mát, êm đềm là điều kiện để nhiều loại thủy hải sản sinh sống và phát triển. Bởi vậy từ bao đời nay, nhiều thế hệ người dân Minh Quang sống dựa vào nguồn lợi thủy sản đánh bắt trên sông. Theo thời gian với sự khai thác của con người, những sản vật tự nhiên cũng dần dần giảm xuống. Để bù đắp lại sự thiếu hụt đó, hai nông dân Nguyễn Văn Hiển ở thôn Xuân Thọ và Đỗ Đăng Ký ở thôn Liên Bu đã nảy ra sáng kiến nuôi cá lồng trên dòng sông.“Chăn nuôi những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn còn việc đánh bắt cá tự nhiên cũng ngày càng khan hiếm không còn nhiều cá lớn nữa.
Dòng sông với nguồn nước dồi dào tại sao mình không nuôi cá để tạo ra nguồn lợi về kinh tế?" ông Hiển chia sẻ. Nghĩ là làm, ông Hiển khăn gói đi tìm những mô hình nuôi cá lồng có hiệu quả ở các địa phương khác như ở Xuân Lộc, Đoan Hạ (Hòa Bình) hay Đoan Hùng (Phú Thọ) để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi đã nắm được cách làm, tháng 4/2016 ông mua lưới, chặt tre ghép lồng cá. Ban đầu, để thử nghiệm ông Hiển thả nuôi 300 con cá trắm. Do cá giống quá nhỏ và chuyển môi trường đột ngột từ ao nuôi sang không thích nghi được với môi trường mới nên chết nhiều, ông thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Đã có người cho rằng ông Hiển có “khùng” mới đem đổ tiền xuống sông. Không nản chí, ông vẫn tin tưởng mô hình của mình sẽ thành công.
Ông Hiển tiếp tục đầu tư chuyển sang nuôi cá rô phi, một loại cá khỏe, dễ nuôi dễ thích nghi với môi trường. Vụ đầu thu hoạch, mặc dù chỉ nuôi cầm chừng nhưng tính ra cũng mang lại lợi nhuận hơn hẳn trồng lúa. Sau thành công ban đầu, ông Hiển tiếp tục đầu tư nuôi cá lồng số lượng lớn với 2 loại là cá trắm cỏ và cá rô phi. Đến nay gia đình ông có 5 lồng cá gồm 2 lồng cá trắm với 3.000 con và 3 lồng cá rô phi với 1.800 con. Tính theo giá bán hiện nay từ 30.000 – 40.000 đồng/kg cá rô phi và 70.000 đồng/kg cá trắm thì mỗi lứa trừ chi phí ông Hiển thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Nhân rộng mô hình
Thấy mô hình của ông Hiển hiệu quả “ăn nên làm ra”, nhiều người dân thôn Xuân Thọ đã vay vốn đầu tư nuôi cá lồng. Theo đó, từ mô hình nuôi cá lồng đầu tiên của gia đình ông Hiển đến nay toàn xã đã có 5 hộ nuôi cá với 19 lồng, chủ yếu nuôi cá trắm và cá rô phi. Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà khá mới mẻ nhưng đã được chính quyền xã Minh Quang và UBND huyện tạo điều kiện hỗ trợ bà con nông dân về con giống, kỹ thuật. Ông Trần Quang Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết, sau dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, Minh Quang đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó có nuôi cá lồng. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, chính quyền sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để người dân phát triển sản xuất.
Mới chỉ bắt tay vào nuôi cá lồng từ cuối năm 2016, nhưng gia đình anh Hoàng Văn Bảo thôn Xuân Thọ đã mạnh dạn đầu tư 4 lồng nuôi với 3.000 con cá trắm và 8.000 cá rô phi. Đến nay, đàn cá phát triển tốt đạt từ 1,5 – 2kg/con dự kiến sẽ thu hoạch trước mùa lũ về. Tại thôn Liên Bu gia đình ông Đỗ Văn Ký mới đầu tư trên 100 triệu đồng đóng 5 lồng sắt để nuôi cá. Ông Ký dự kiến sẽ nuôi 800 con trắm và 4.000 rô phi. Theo ông Ký, cá trắm cỏ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bởi đây là loài cá ít bệnh tật, khả năng thích nghi tốt, dễ nuôi, chi phí thức ăn không cao chủ yếu là các loại cỏ, lá chuối, cây chuối... Khi cá đạt trọng lượng khoảng 2kg trở lên là có thể thu hoạch với giá thành khoảng 70.000 đồng/kg. Hiện nay, ông đã có thể tự nhân giống cá trắm để nuôi vừa giảm chi phí con giống vừa cho chất lượng cá giống khỏe, phù hợp môi trường.
Nuôi cá lồng ở Minh Quang đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và phù hợp kế hoạch sắp xếp, chuyển đổi sản xuất. Minh Quang hiện có hai thôn nuôi cá lồng, dự kiến trong thời gian tới sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản để các hội viên hỗ trợ nhau phát triển mô hình này. Ông Bùi Văn Thơm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Quang cho biết, Hội nông dân xã khuyến khích và hỗ trợ nhiều mặt nông dân hai thôn Liên Bu và Xuân Thọ. Tới đây, xã sẽ khảo sát và triển khai thành lập các tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay của Ngân hàng để người dân có thêm điều kiện mở rộng sản xuất.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Với nghề nuôi cá lồng, người dân Minh Quang hy vọng sẽ mở ra một hướng đi mới để có thêm thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương. Tuy nhiên, các hộ nuôi cá ở Minh Quang vẫn đang gặp không ít khó khăn cần sự giúp đỡ của địa phương và các ngành chức năng. Theo đó, khó khăn lớn nhất của bà con hiện nay là nguồn vồn và việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nếu nuôi số lượng ít thì có thể bán lẻ ở các nhà hàng và chợ lân cận nhưng nếu nuôi nhiều, đặc biệt vào mùa thu hoạch rộ mà không tìm được đầu ra sẽ rất khó khăn cho bà con trong khâu thu hồi vốn, tái sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Trần Quang Hảo tính toán, một năm một lồng cá rô phi có thể cho thu hơn 1 tấn cá bán với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, sẽ có thu nhập trên 30 triệu đồng/lồng. Một gia đình có 4 lồng cá thì trừ chi phí con giống, thức ăn vẫn cho thu về hơn một trăm triệu đồng.
Theo ông Trần Quang Hảo, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh đã góp phần không nhỏ trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, tạo sự đa dạng ngành nghề và giúp người dân tăng thu nhập. Cũng theo ông Hảo, lãi từ việc nuôi cá lồng là có, song khó khăn trong việc phát triển cá lồng cũng rất lớn. Chỉ tính riêng chi phí đầu tư vào thức ăn công nghiệp đã chiếm một khoản không nhỏ. Bình quân mỗi lồng cá chi phí khoảng 140 triệu đồng tiền giống và thức ăn, chưa kể tiền đầu tư làm lồng. Như vậy, nếu người nuôi không có nguồn vốn lớn thì không thể làm được. Vì thế, những hộ nuôi cá lồng mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ về vốn và thị trường tiêu thụ ổn định để mở rộng đầu tư cho nghề nuôi cá lồng này.