70 năm giải phóng Thủ đô

Nuôi dưỡng cảm xúc

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi lần có thêm một video clip cảnh học sinh đánh bạn trước sự chứng kiến của nhiều người được tung lên mạng, tiếng chuông báo động về sự vô cảm lại được rung lên, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Một người phụ nữ cay đắng kể về đứa con gái của mình, dù được bố mẹ chu cấp đầy đủ, nhưng không bao giờ em biết nói lời cảm ơn, hay quan tâm đến việc gì. Đi học về là chui vào thế giới riêng. Bố mẹ cãi nhau, kệ. Mẹ khóc, kệ. Mẹ ốm, không một lời hỏi han, một hành động quan tâm. Bố bị tai nạn, việc không liên quan đến mình. Em sống dửng dưng như người xa lạ, chẳng có chút cảm xúc nào.
 Ảnh minh họa
Câu chuyện ấy không phải là cá biệt. Sống vô cảm với gia đình, không quan tâm, không lo lắng, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình đã trở thành một thói quen của nhiều người trẻ hiện nay. Họ sống trong vỏ bọc của mình, không biết rung động trước những nỗi đau của chính những người thân. Từ vô cảm với gia đình, họ vô cảm với bạn bè và xã hội. Bởi thế, khi nhìn thấy một vụ tai nạn xảy ra trên đường, chỉ biết đứng chỉ trỏ, không hề có một biểu hiện lo lắng, xót thương hay đứng ra giúp đỡ người bị nạn. Nhiều giáo viên nhận xét, không phải là tất cả, nhưng số học sinh vô cảm, thờ ơ với những người xung quanh đang ngày càng nhiều. Thật hiếm khi thấy các em tự giác giúp đỡ người già, người tàn tật. Các em cũng không cảm thấy mình có lỗi khi không làm điều ấy.
Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng tựu chung lại cái gốc của vấn đề chính là cách sống, cách giáo dục nhân cách từ mỗi gia đình, khiến trẻ chỉ biết hưởng thụ, yêu cầu "quyền" của bản thân mà không biết "bổn phận" của mình. Một đứa trẻ chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho” sẽ nghèo nàn về cảm xúc, bàng quan trước cái xấu, trước nỗi đau của người khác.
Một chuyên gia giáo dục khi trao đổi về đề tài này đã nói. Người lớn chúng ta là tấm gương cho con trẻ. Thời gian bố mẹ dành để chia sẻ với trẻ sự quan tâm, chăm sóc ông bà, bố mẹ mình trong gia đình cũng ngày càng ít đi vì một mối lo lớn hơn là “cơm áo gạo tiền”… Vì vậy, nên chăng để dạy trẻ biết cảm thông, việc làm ấy phải bắt đầu từ người lớn. Người lớn phải "nhập cuộc" tích cực, bằng cách quan tâm giáo dục cảm xúc một cách thực tế cho con ngay từ nhỏ. Không chỉ dạy trẻ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người để từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen dạy con kiểu: chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với trẻ là việc mà bố mẹ là những người đầu tiên phải làm. Trẻ chỉ có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được bố mẹ hướng dẫn cụ thể bằng những việc phù hợp. Chính những điều nhỏ nhặt này là cái nền đầu tiên để trẻ bớt nghĩ đến bản thân, mở rộng lòng ra cùng người khác và điều quan trọng là người lớn phải tạo cơ hội cho trẻ thực hiện sự giúp đỡ, cảm thông.
Hiện nay, một số gia đình đã làm được điều này là cho trẻ tham gia các chuyến thiện nguyện, giúp đỡ người kém hơn mình…, đấy chính là bài học quan trọng để xóa tan sự vô cảm.