Nuôi dưỡng chữ hiếu

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa Vu Lan cũng là mùa báo hiếu của con cái với ông bà, cha mẹ. Nhưng hiện cuộc sống gấp gáp, làm nhiều người không còn cả thời gian quan tâm đến điều đó.

Không ít người còn đổ lỗi cho hoàn cảnh và tạo nên không ít chuyện đau lòng quanh chữ hiếu; hoặc lúc bố mẹ sống không hỏi han, họ chỉ còn biết khóc thật nhiều, làm đám tang thật lớn như một sự an ủi, ăn năn. Song sự hiếu thuận... muộn màng ấy ngày càng phổ biến.

Chữ hiếu về bản chất phải xuất phát từ tình cảm của con người. Trước hết, phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quan tâm, trách nhiệm và cách giáo dục của bố mẹ đối với con cái. Rất nhiều những tấm gương lung linh hiếu nghĩa vẫn cho thấy đây là một giá trị sống bền vững không thể đổi thay, không phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện sống mà do ý thức quyết định. Điều quan trọng là giúp thế hệ trẻ thẩm thấu, cảm nhận và trân trọng những giá trị đích thực của chữ hiếu ấy. Một người đàn ông còn trẻ đã kể, nhà anh có mẹ ở cùng nên vợ chồng luôn phải cố gắng trong cách cư xử để được trong ấm ngoài êm. Nhiều khi công việc bận rộn, nhưng anh vẫn dạy con cái về cách đối xử với ông bà. Đứa con của anh mỗi buổi tối trước khi đi ngủ luôn vào phòng tắt điện cho bà, chúc bà ngủ ngon. Khi bà đau nhức xương thì biết xoa dầu, đấm bóp. Những cử chỉ tuy nhỏ nhưng chính từ đó, chữ hiếu được nuôi dưỡng từng ngày.

Một người khác cũng bảo, dù bận rộn đến đâu, mỗi tháng anh đều dành thời gian để về quê, tự tay nấu những món ăn mẹ thích, trò chuyện và đưa mẹ đi chơi. Các anh em của anh dù ở xa hay gần đều thu xếp công việc để luân phiên nhau và bao giờ cũng phải ít nhất một người có mặt bên cạnh mẹ. Anh tâm sự: Nếu thuê người, thuê dịch vụ chăm sóc thì gia đình anh cũng thừa sức, nhưng điều đó có làm bố mẹ họ sống vui vẻ những ngày cuối đời không? Anh chắc là không và anh cũng muốn con cái nhìn vào tấm gương của thế hệ mình để tiếp nối truyền thống ấy.

Cuộc sống ngày nay bận rộn hơn, mưu sinh cũng mệt nhọc hơn nên tạo cảm giác gấp gáp mệt mỏi cho mỗi gia đình. Có những gia đình có bố mẹ ở xa, một năm về thăm đôi ba lần. Khi bố mẹ nhớ cháu, ra thăm thì vợ chồng con cái lại bận rộn nên chẳng thể chu đáo với bố mẹ. Bởi thế, cách nuôi dưỡng chữ hiếu cũng tùy vào hoàn cảnh. Có người khi bố mẹ ở xa, không thể chăm sóc, anh báo hiếu bằng cách, sắm sửa đồ đạc trong nhà, mua cho mẹ cái này, cái kia. Ai cũng bảo anh có hiếu. Nhưng bản thân anh khi nghĩ mẹ lủi thủi ra vào trong căn nhà rộng mà chạnh lòng. Có thể bà tự hào, vui vì những điều anh làm nhưng anh cũng biết rằng điều mẹ anh mong mỏi nhất là sự gần gũi, quan tâm, chăm sóc của con cái thì anh lại chưa làm được. Anh biết điều đó, nên trong hoàn cảnh của mình, anh vẫn mong muốn nuôi dưỡng chữ hiếu, bởi đó là cái gốc của mọi đức tính. Dù hiện đại đến đâu thì gia đình hiếu thuận là điều không thể thiếu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần