Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nút Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám: Cần một cây cầu vượt

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám là một trong những nút thắt thường xuyên ùn tắc. Đặc biệt khi dự án hầm chui Lê Văn Lương vừa được khởi động, nơi đây lại càng cấp thiết phải có một cây cầu vượt để hóa giải áp lực giao thông dự kiến sẽ ngày càng trầm trọng.

Nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy. Ảnh: Phạm Hùng
Nguy cơ ùn tắc cao
Trục Tố Hữu - Lê Văn Lương từ lâu đã là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của nội thành Hà Nội. Do áp lực giao thông trên trục đường này ngày càng lớn, ùn tắc giao thông (UTGT) diễn biến phức tạp, nên ngày 2/10 vừa qua, công trình hầm chui trực thông theo hướng Lê Văn Lương, tại nút giao với Vành đai 3 đã được khởi công xây dựng. Theo dự kiến, phải mất 18 tháng để hoàn thành hầm chui, khai thông thế bế tắc cho nút giao nêu trên.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng, việc triển khai đầu tư đơn lẻ hầm chui Lê Văn Lương có nguy cơ khiến UTGT trên tuyến diễn biến khó lường hơn, hạn chế tác dụng tích cực của công trình. Kỹ sư cầu hầm đô thị Đỗ Cao Phan chia sẻ: “Hầm chui Lê Văn Lương là rất cần thiết, cấp bách, nhưng nó cũng sẽ đẩy áp lực giao thông về hai phía: đường Tố Hữu và nút giao với đường Hoàng Minh Giám”. Ông Đỗ Cao Phan phân tích, khi hầm chui đi vào sử dụng, dòng chảy phương tiện sẽ tiến sát nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Trong khi khả năng tiếp nhận, giải tỏa áp lực của nút lại cực kỳ “khiêm tốn”.

Đồng quan điểm, thạc sỹ kỹ thuật công trình giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung cho rằng: “Trên cả trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, điểm giao cắt với đường Hoàng Minh Giám là đáng lo ngại nhất. Bởi đây là vị trí gặp nhau của 3 trục lớn gồm: Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng. Hướng đi trực tiếp trên đường Hoàng Minh Giám sẽ tạo nên xung đột rất lớn nêu không được đẩy nhanh tốc độ”. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho rằng, trong thời gian xây dựng hầm chui, khả năng lưu thông trên tuyến Lê Văn Lương – Tố Hữu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương sẽ càng có nguy cơ ùn tắc cao trong giai đoạn này. Giả sử trường hợp vì lý do khách quan, dự án hầm chui Lê Văn Lương kéo dài hơn dự tính, lại càng cần có phương án giảm tải cho nút giao kế cận tại đường Hoàng Minh Giám để đảm bảo ATGT, hạn chế tối đa nguy cơ ùn tắc.

Đồng bộ hạ tầng khu vực

Nhiều chuyên gia cho rằng, song song với việc xây dựng hầm chui, TP cần xem xét triển khai một dự án cầu vượt nhẹ theo hướng trực thông trên đường Hoàng Minh Giám tại nút giao với đường Lê Văn Lương. Cây cầu vượt này vừa mang ý nghĩa lâu dài, góp phần đồng bộ, tăng cường hiệu quả tổ chức giao thông cho cả khu vực, vừa có thể giải quyết những khó khăn trước mắt nếu triển khai nhanh.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích, Hà Nội đã làm một số cầu vượt nhẹ, chi phí đầu tư không quá lớn, thời gian xây dựng nhanh, nhưng lại phát huy hiệu quả rất tích cực đối với giao thông, nhất là tại những điểm “nóng”. Ví dụ như cầu vượt nhẹ nút Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng trước đây chỉ thi công trong 5 tháng đã hoàn thành. “Nếu có thể gấp rút đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng cầu vượt nhẹ cho nút Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương, sẽ còn có tác dụng giảm tải cho giao thông trên tuyến trong thời gian thực hiện dự án hầm chui” - ông Vũ Hoàng Chung nhận định.

Về lâu dài, khu vực cửa ngõ Tây Nam Hà Nội với các tuyến giao thông lớn như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng cần được đồng bộ năng lực lưu thông. Hiện, đã có 2 hầm chui: Thanh Xuân, Trung Hoà, sắp tới là hầm chui Lê Văn Lương. Muốn kết nối tốt để phân giải áp lực giao thông cho các tuyến này cần các tuyến đường ngang có năng lực thông hành tốt hơn, mà trục Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân là một trong những vạch nối quan trọng nhất. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, cần xem xét việc xây dựng cầu vượt nhẹ trên đường Hoàng Minh Giám, tại vị trí nút giao với Lê Văn Lương. Bởi kế cận, cùng hướng trực thông đã có cầu vượt nhẹ qua nút giao với Trần Duy Hưng. Việc liên tiếp lên xuống cầu vượt trên một cung đường ngắn có thể gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Nếu xây dựng phải có sự tính toán phù hợp để đảm bảo ATGT.
Đường Vành đai 3, đoạn Khuất Duy Tiến đã hoàn thiện cả dưới thấp, trên cao; đường Láng – Vành đai 2 cũng chỉ còn một đoạn tuyến ngắn. Trục Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân trong thời gian tới sẽ cần được đầu tư đồng bộ, nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng toàn khu vực. Khi đó cũng vẫn cần một cây cầu vượt nhẹ cho nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương. Vậy thay vì chờ đợi, TP có thể xem xét đầu tư sớm, vừa có giá trị trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài.

Kỹ sư cầu hầm đô thị Đỗ Cao Phan