70 năm giải phóng Thủ đô

Nút thắt cải tạo chung cư cũ: Vẫn chờ được tháo gỡ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời UBND TP Hà Nội về việc tháo gỡ khó khăn trong cải tạo, xây dựng lại chung cư – nhà tập thể cũ. Đồng thời, Bộ cũng đã đề xuất bổ sung chính sách nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ.

 Khu tập thể Nam Đồng xuống cấp đã nhiều năm qua. Ảnh: Hải Linh
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đề xuất chọn thí điểm cơ chế đặc thù

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, cơ quan này đang hoàn tất việc nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự kiến trình Chính phủ ban hành vào quý II/2021. Vì vậy, vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của TP Hà Nội nêu trong đề án, Bộ Xây dựng ghi nhận để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung. “Hai địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đề xuất chọn thí điểm cơ chế đặc thù” – đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay.

Thời gian qua, vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư – nhà tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có 3 khó khăn lớn, đó là: Quy hoạch hạn chế chiều cao; mật độ công trình nội đô, nguồn lực trong việc tái định cư cho người dân và việc sở hữu chồng chéo của người dân tại các chung cư cũ. “Việc Bộ Xây dựng đang gấp rút hoàn thành xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP, trong đó đề xuất cho phép Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được thực hiện thí điểm sẽ tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách đối với việc cải tạo, xây dựng lại chung cư – nhà tập thể cũ” – KTS Trần Huy Hoàng – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận.

Bảo đảm hài hòa lợi ích

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng, nhà chung cư – tập thể cũ được hình thành từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ưu tiên cho cán bộ, công nhân, viên chức. Nếu Nhà nước có ngân sách để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư – nhà tập thể cũ thì vấn đề sẽ được xử lý dễ dàng. Nhưng hiện nay, nguồn ngân sách không đủ để thực hiện theo hình thức bao cấp như vậy nữa, nên muốn cải tạo, sửa chữa buộc phải huy động nguồn lực đầu tư tư nhân, song cũng phải đảm bảo sự đồng thuận, hài hòa về lợi ích giữa các bên: Nhà nước, DN và người dân. “Tôi ủng hộ việc DN tham gia đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ. Nhưng cần phải giải quyết thấu đáo vấn đề về lợi ích của người dân đang sinh sống. Không vì lý do cấp thiết cần cải tạo, xây dựng lại mà có thể cho người đầu tư những đặc quyền, đặc lợi vượt trên lợi ích chung của cả cộng đồng” – KTS Trần Huy Ánh nói.

Đại diện một số DN cho rằng, hiện nay, việc thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia vào cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ không phải là vấn đề quá phức tạp. Thời gian qua, nhiều DN khi tham gia nghiên cứu phải rút lui hoặc đã được chính quyền chấp thuận nhưng cũng không triển khai được vì vướng mắc về cơ chế. “Một trong những vướng mắc lớn nhất đó chính là quy định 100% chủ sở hữu đồng thuận việc tháo dỡ, xây dựng mới chung cư cũ. Vì vậy, ngay cả khi có sự sửa đổi, bổ sung về luật thì cũng rất cần có sự đồng thuận, hợp tác từ phía người dân” – Giám đốc Công ty BĐS Việt Úc Phạm Thị Thanh chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, sau khi đã có hành lang pháp lý cơ bản, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa Luật Nhà ở để có hành lang pháp lý rộng hơn, từ đó thúc đẩy công tác tái thiết, cải tạo các chung cư cũ.
Theo thống kê, Hà Nội có 1.579 nhà chung cư; TP Hồ Chí Minh có 570 nhà chung cư. Tuy nhiên, vấn đề cải tạo, xây dựng mới diễn ra tương đối chậm. TP Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 9 khối (block), hiện đang giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho 28 khu chung cư cũ, gồm 834 nhà, chiếm hơn 50% số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh chỉ mới tháo dỡ, đang thi công 9 khối nhà và di dời hết hộ dân ở 3 chung cư.