70 năm giải phóng Thủ đô

Ồ ạt cho vay tiêu dùng: Nguy cơ lệch hướng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Doanh nghiệp (DN) tốt hiếm, sức cầu vẫn yếu nên dù lãi suất có giảm, tín dụng cho khách hàng là DN vẫn khó tăng. Hiện, nhiều ngân hàng đã bắt đầu quay lại và rầm rộ tung ra các chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất thấp và điều kiện vay khá "thoáng".

 Nở rộ vay tiêu dùng lãi suất 0%

Thời gian gần đây, hàng loạt chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất thấp, thậm chí là 0% lãi suất bắt đầu ồ ạt xuất hiện.

TienPhongBank đang triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi áp dụng mức lãi suất 0% cho những tháng đầu. Cụ thể, đối với khoản vay mua ô tô và mua tiêu dùng thế chấp bất động sản, khách hàng được hưởng lãi suất 0% trong 3 tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng và từ 2 tỷ đồng trở lên, và 0%  trong 1 tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng và dưới 2 tỷ đồng.

Từ ngày 20/6, khách hàng vay tiêu dùng tại Ngân hàng Á Châu có thể vay số tiền tối đa gấp 15 lần thu nhập, giá trị khoản vay lên đến 500 triệu đồng với thời gian từ 12 - 60 tháng.

Ồ ạt cho vay tiêu dùng: Nguy cơ lệch hướng - Ảnh 1

Trước khi ký hợp đồng vay tiêu dùng, khách hàng nên đọc kỹ từng điều khoản trong hợp đồng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh VP Bank. Ảnh: Hải Linh

Ngoài lãi suất hấp dẫn, điều kiện cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng cũng khá thoáng. Bên cạnh đó, khách hàng còn được hưởng nhiều ưu đãi tặng kèm khi vay vốn. Tại Tienphongbank, khách hàng vay vốn mua, sửa chữa nhà ở còn được tặng ngay thẻ Visa với hạn mức thấu chi lên tới 50 triệu đồng. Trong khi đó, sản phẩm vay tiêu dùng của ACB cũng có thể không cần thế chấp tài sản. Chỉ cần khách hàng có thu nhập từ 6 triệu đồng trở lên đối với các đối tượng có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thu nhập 4 triệu đồng trở lên đối với các đối tượng có hộ khẩu tại tỉnh, thành khác đều có thể được vay. Riêng với các khách hàng là giáo viên và bác sĩ, chỉ cần có thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng.

Mặc dù, mức lãi suất và điều kiện cho vay tại nhiều ngân hàng hiện nay tương đối "thoáng", song, người vay cần tìm hiểu kỹ các gói muốn vay, tránh "mắc bẫy" ngân hàng. Mức lãi suất ưu đãi chỉ được các ngân hàng áp dụng trong 1 - 3 tháng đầu, các tháng sau lãi suất sẽ điều chỉnh theo thị trường. Thông thường, lãi suất các gói cho vay tiêu dùng thường cao vì món vay nhỏ, lẻ.

Không nên để vốn chảy quá nhiều vào tiêu dùng

Khi vay tiền, khách hàng phải đọc thật kỹ từng điều khoản trong hợp đồng, thay vì chỉ đọc lướt và ký vội. Cảnh báo này xuất phát từ việc, hiện có không ít khách hàng không tìm hiểu kỹ về lãi suất phạt khi thanh toán gốc và lãi chậm cũng như khi muốn tất toán hợp đồng sớm.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Kinh tế

Hiện, nhiều ngân hàng đứng trước tình trạng thừa vốn nhưng không thể cho vay ra, vì thế, có hiện tượng đổ xô giành nhau số lượng DN tốt ít ỏi. Ở mảng khách hàng cá nhân, nhiều ngân hàng bắt đầu ồ ạt cho vay tiêu dùng trở lại.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VP Bank cảnh báo, việc ngân hàng đứng trước áp lực tăng trưởng tín dụng, trong đó có mạnh tay cho vay tiêu dùng có thể là mầm mống của rủi ro và mầm mống này có thể xảy ra sau vài năm tới, như bài học đã từng xảy ra năm 2009. Nếu không cẩn trọng sẽ lặp lại vòng xoáy nợ xấu, tăng trưởng nóng như thời gian qua.

Nhiều lo ngại thanh khoản ngân hàng sẽ chảy quá nhiều vào tiêu dùng. Ông Louis Taylor - Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam cho rằng, không nên để nguồn thanh khoản dồi dào hiện tại chảy quá nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng, thay vào đó, điều cần làm là thúc đẩy dòng tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất. Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Việt Nam không nên đẩy mạnh tín dụng cá nhân một cách đại trà vì động lực phát triển kinh tế không đến từ cho vay tiêu dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên cơ cấu lại tín dụng, cần tập trung đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu... để tăng trưởng kinh tế. Mảng tín dụng cá nhân chỉ nên cho vay trong một giới hạn nhất định. Bên cạnh hạ lãi suất cho vay, tăng hạn mức cho vay trên tài sản thế chấp, ngân hàng cần tính đến việc thiết kế những sản phẩm cho vay phân kỳ hạn trả nợ linh hoạt.