70 năm giải phóng Thủ đô

Ồ ạt lập trạm thu phí BOT: Dồn gánh nặng cho dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ trương xã hội hóa (XHH) hạ tầng giao thông, trong những năm qua, hàng loạt trạm thu phí đã mọc lên trên các tuyến đường lớn dẫn vào Thủ đô.

Và với tốc độ như hiện nay, chỉ vài năm nữa dù ra hay vào Hà Nội ở bất cứ tuyến đường nào, người dân cũng sẽ phải đóng “thuế” đường.

Ra đường là mất tiền!

Không thể phủ nhận, việc XHH hạ tầng giao thông đã từng bước thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, góp phần giảm thiểu ùn tắc, TNGT. Thế nhưng, XHH ồ ạt như hiện nay đang vô tình tạo ra áp lực lớn đến cuộc sống của người dân tại những khu vực đặt trạm thu phí. Đơn cử như trạm thu phí BOT QL6 (tại thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), việc chủ đầu tư đặt trạm thu phí giữa trung tâm thị trấn đã khiến những hoạt động tưởng chừng rất đơn giản như đi ăn sáng, đi khám bệnh, đến nhà nhau chơi, thậm chí là đưa con đi học… cũng trở thành một điều gì đó rất xa xỉ, bởi cứ ra đường là... mất tiền!
Trạm thu phí QL6, đoạn Xuân Mai – Hòa Bình. Ảnh: Trình Vũ
Trạm thu phí QL6, đoạn Xuân Mai – Hòa Bình. Ảnh: Trình Vũ
Ông Lê Sỹ Vinh, ở tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn bức xúc: "Cái thị trấn bé bằng “mắt muỗi”, nay người ta lại đặt ngay cái trạm thu phí giữa trung tâm thị trấn - nơi tập trung các cơ quan hành chính của huyện, trung tâm y tế, trường học, chợ, trạm xăng dầu…, là những nơi hàng ngày người dân chúng tôi vẫn phải qua lại thường xuyên. Một năm xe của tôi đã phải đóng gần 5 triệu đồng phí bảo trì đường bộ, và nếu cộng thêm vé tháng (vé tháng là 1.650.000 đồng, vé ngày là 55.000 đồng/lượt - PV) qua trạm thu phí BOT nữa, một tháng tôi cũng phải mất gần 2 triệu đồng tiền “thuế đường". Với số tiền phải nộp như vậy, không biết việc trang trải cho cuộc sống của gia đình tôi sẽ có còn đủ nữa không” - ông Vinh bức xúc.

Bộ đánh tráo khái niệm

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ GTVT, khi được phóng viên "chất vấn" về việc Hà Nội đang bị "quây" bởi các trạm thu phí đường bộ BOT làm khó người dân, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã cho rằng, trên địa bàn Hà Nội hiện mới chỉ có trạm thu phí Bắc Thăng Long; Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí theo hình thức BOT, số trạm này chỉ bằng 1/4 so với TP Hồ Chí Minh và chủ yếu nằm ở các đường vành đai. Do đó, nếu nói các trạm thu phí “bủa vây” Hà Nội là chưa chính xác. Cũng theo người đại diện Bộ GTVT, phải trong vài ba năm tới, Hà Nội mới có thêm các dự án BOT tại khu vực Vành đai 4 như: Đường nối cao tốc QL5 với QL1 từ Hưng Yên đi Hà Nam và từ Hà Nam nối với Đại lộ Thăng Long và từ đó đi QL32.

Tuy nhiên, khi trao đổi với các chuyên gia kinh tế, hầu hết đều cho rằng, lãnh đạo Bộ GTVT đang đánh tráo khái niệm, ở đây là việc Thủ đô Hà Nội bị "quây" bởi các trạm thu phí BOT chứ không phải vấn đề có bao nhiêu trạm thu phí BOT nằm trên địa bàn TP, và khi đã bị "quây" thì người dân về quê, đi du lịch ra các tỉnh vùng ven đều phải trả tiền với mức phí cao. Chưa kể số tiền mà những người dân, hàng hóa, nông sản… ở các địa phương lân cận phải bỏ ra tại các trạm thu phí để đưa hàng hóa đến với Thủ đô.

Đơn cử như tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, một chiếc xe 5 chỗ cả đi cả về trên tuyến đường này phải mất đến 600.000 đồng tiền phí; Từ Hà Nội đi Nam Định theo tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, một chiếc xe loại 5 chỗ cũng phải mất đến 230.000 đồng cho cả hai chiều đi và về… Điều này đã phần nào lý giải tại sao Hà Nội luôn là nơi mà giá cả lương thực, thực phẩm… đắt đỏ nhất cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc các DN lập trạm và thu phí BOT sau khi hoàn thành các dự án là điều tất yếu để hoàn vốn đầu tư. Người dân mất tiền để đi trên những con đường khang trang, rộng rãi nhưng sẽ bù lại khoản kinh phí hao mòn máy móc, xăng dầu, thời gian... trong quá trình di chuyển. “Các DN làm ăn chân chính sẽ căn  cứ vào kinh phí giảm được nhờ đi đường mới để đưa ra những mức điều chỉnh giá cước. Mặc dù DN, người dân sẽ giảm được đáng kể chi phí hao mòn máy móc, xăng dầu, thời gian…, nhưng số tiền giảm được nhờ điều đó là bao nhiêu thì chưa thể tính toán được” - ông Thanh chia sẻ.

Và như vậy có thể thấy, khi cái lợi từ việc tiết kiệm nhiên liệu, thời gian, độ hao mòn máy móc… chỉ là những điều không thể cân đong, đo đếm được thì khó thể khẳng định rằng, đi trên những con đường cũ, người dân sẽ tốn nhiều tiền hơn khi đi trên những con đường mới.

Đang tạo ra những tiền lệ xấu

Được biết, hợp phần dự án cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình nằm trong dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6. Hợp phần dự án có chiều dài hơn 30km được thiết kế trên cơ sở cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng và miền núi; tuyến cơ bản bám theo đường cũ để tận dụng tối đa mặt đường và chi phí GPMB. Hợp phần có tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây mới là con số mà chủ đầu tư báo cáo. Và chỉ cần làm phép tính đơn giản, dự án này có suất đầu tư rất thấp - gần 17 tỷ đồng/km. Và với mức thu như hiện nay, để di chuyển trên 1km tuyến đường này, xe dưới 12 chỗ và xe tải có tải trọng dưới 2 tấn phải mất khoảng 830 đồng (trước ngày 31/12/2015) và 1.150 đồng (sau ngày 31/12/2015).

Đây là mức phí quá cao so với những tuyến đường có suất đầu tư cao hơn rất nhiều như Pháp Vân - Cầu Giẽ (68 tỷ đồng/km); cao tốc Nội Bài - Lào Cai (hơn 80 tỷ đồng/km); cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (hơn 179 tỷ đồng/km)... nhưng mức phí đang thu cũng chỉ 1.500 đồng/km.

Điều đáng nói, tại những dự án trên, người dân được quyền lựa chọn đi đường này hay đi đường khác, còn tại dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, người dân không có quyền lựa chọn nào khác.

Trở lại với trạm thu phí BOT QL6, trước những bức xúc của người dân về việc phí qua trạm quá cao. Ông Bùi Quang Bát - Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, chủ đầu tư  dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình cho biết, để đảm bảo cuộc sống của người dân trong khu vực, Công ty đã họp và thống nhất giảm 40% giá vé tháng cho xe ô tô con không hoạt động kinh doanh và 20% giá vé tháng cho các loại xe tải hoạt động kinh doanh của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, người dân và chính quyền huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cho rằng, mức phí chỉ nên bằng 1/3 hiện nay. Được biết, đến thời điểm này, Công ty TNHH BOT QL6 vẫn đang xin ý kiến của các cơ quan có chức năng để đưa ra quyết định cuối cùng về những kiến nghị của người dân.

Tuy nhiên, có thể khẳng định việc Công ty TNHH BOT QL6 đã giảm giá và đang tiếp tục xin giảm giá để “xoa dịu” những bức xúc của người dân về những điều bất hợp lý của dự án sẽ là tín hiệu cho phong trào “người dân "quây" trạm thu phí”. Bởi trạm BOT QL6 giảm phí cho người dân Hòa Bình thì người dân các tỉnh khác đang hàng ngày đi qua các trạm thu phí chắc chắn cũng sẽ so đo, tính đếm. Do đó, Bộ GTVT cần chỉ đạo các đơn vị tính đúng, tính đủ mức phí phương tiện phải đóng tại các trạm thu phí BOT để người dân không phải buồn lòng khi được đi trên những con đường mới và càng không phải bức xúc trước việc tận thu phí đường như hiện nay.
Một chiếc xe ô tô khi lưu hành phải chịu các loại phí sau: Phí trước bạ (10 - 15%, tùy địa phương); phí cấp biển số (2 - 20 triệu đồng, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh); phí đăng kiểm (từ 240.000 - 560.000 đồng/lần); phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật (50.000 - 100.000 đồng/lần); phí sử dụng đường bộ, gồm 2 loại là phí thu qua trạm thu phí BOT để hoàn vốn xây dựng các công trình giao thông và phí bảo trì đường bộ; phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự; phí bảo hiểm vật chất (không bắt buộc); phí xăng dầu; phí thử nghiệm khí thải; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu (không bắt buộc); phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng (không bắt buộc).