“Ở đât kẻ thù” - Dày dặn và vạm vỡ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối qua (20/2), tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), buổi tọa đàm, ra mắt tiểu thuyết “Ở đất kẻ thù” (tiêu đề được dịch ra tiếng Pháp là “En terre ennemie”) của tác giả Lê Lan Anh đã diễn ra với sự có mặt của tác giả và dịch giả Nghiêm Phong Tuấn.

Cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam, lấy bối cảnh một làng quê trong chiến tranh vào thời điểm không quân Mỹ ném bom miền Bắc. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên và là tác phẩm đầu tay của một tác giả Việt Nam đã được NXB L'Harmattan - NXB uy tín và lâu năm bậc nhất của Pháp - ấn hành.

Với sự kết hợp khá mềm giữa văn học, thi ca và điện ảnh, giữa tả thực và cách điệu, cách viết và sử dụng từ phong phú, giàu nhạc điệu, tác giả đã tạo nên một cái nhìn mới về chiến tranh, mang đậm tính nhân văn, vượt qua mọi biên giới của địa lý, chính trị, sự khác biệt của ngôn ngữ văn hóa, tôn giáo, màu da... Sự ám ảnh, cuốn hút người đọc toát lên ở tình người thấm đẫm hơn 200 trang viết.

 
“Ở đât kẻ thù” - Dày dặn và vạm vỡ - Ảnh 1

Lê Lan Anh cho biết, chị viết cuốn sách này cho mình, không hề nghĩ rằng viết tiểu thuyết để trở thành nhà văn hay để nổi tiếng: “Ám ảnh suốt 40 năm, không viết ra tôi cảm thấy như mắc nợ người nông dân, khi tôi viết ra xong tôi nhẹ nhõm vô cùng”. Nói đến vấn đề chuyên nghiệp trong “Ở đất kẻ thù”, tác giả Lê Lan Anh chia sẻ: “Đây không phải là vấn đề chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp mà nằm ở tự trọng của mỗi người cầm bút… Văn chương là một quá trình sáng tạo vô cùng cực khổ, đòi hỏi người cầm bút phải có ba yếu tố: Một, phải có một lượng kiến thức tương đối đầy đủ. Hai, phải có trải nghiệm của cá nhân mình về vấn đề mình đang muốn viết. Ba, phải có niềm say mê, phấn đấu, dằn vặt, đau khổ, trăn trở về đề tài mình đang muốn viết. Nếu thiếu 3 điều đó, thì quá trình sáng tạo không thể diễn ra…”.

Cuốn tiểu thuyết của nhà văn không chuyên Lê Lan Anh được đánh giá là “vạm vỡ, bạo liệt và khá dày dạn”. Tác giả, tác phẩm đã được đón nhận nhiệt tình, dành được rất nhiều lời khen ngợi từ giới viết lách và công chúng.