KTĐT - Cắt giảm thu nhập, buộc nghỉ không lương, một làn sóng các chuyên gia CNTT tại các công ty Mỹ đang xem xét ở lại hay “nhảy việc”.
Các công ty Mỹ ở mọi ngành công nghiệp khác nhau hầu như đều tiến hành cắt giảm thu nhập của nhân viên trong năm 2009. Trong số đó nổi bật có các hãng phát thanh, báo chí, công nghệ như National Public Radio, the New York Times. Những công ty này đang cắt giảm lương của cả những nhân viên CNTT từng được ưu ái nhất, như các vị trí phát triển web, chuyên gia bảo mật thông tin, chuyên gia hoạch định nguồn và các kiến trúc sư IT.
Nhảy việc ngay khi thu nhập giảm
Một số chuyên gia CNTT đã nhảy việc ngay lập tức sau khi bị cắt giảm thu nhập. Đơn cử như một công ty ở bang Indiana (Mỹ) hồi cuối năm 2008 đã quyết định xóa bỏ hẳn các khoản thưởng hàng năm của nhân viên trong năm 2009, trong đó có cả nhân viên CNTT. Chỉ mấy tháng sau, tất cả nhân viên kiếm được hơn 90.000 USD/năm nhận rõ mức thu nhập của họ giảm mất 10%, trong đó có 2 nhà quản lý CNTT. Cả hai người đã rời khỏi công ty chỉ mấy tháng sau khi nhận thấy thu nhập giảm.
IDG, công ty mẹ của hãng truyền thông Network World, tiến hành cắt giảm 10% thu nhập nhân viên hồi tháng 5. Rob Rebecchi, Quản lý Dịch vụ Hỗ trợ Công nghệ cho IDG cho biết nhóm của ông gồm 5 nhà phân tích, chuyên xử lý các cuộc gọi hỗ trợ công nghệ đến từ các hãng xuất bản, đã bị ảnh hưởng bởi quyết định cắt giảm này. “Tôi đã mất một nhà phân tích cao cấp kể từ lúc đó”, Rebecchi nói. “Tất cả các nhóm CNTT trong IDG đều bị ảnh hưởng bởi lệnh cắt giảm thu nhập, và đã có một số thay đổi về nhân sự trong mỗi nhóm này”.
Nhìn chung, lương và thu nhập của giới CNTT tiếp tục bị thu hẹp trong năm 2009. Theo khảo sát của hãng nghiên cứu nhân sự Janco Associates công bố hồi tháng 6, tổng thu nhập của các chuyên gia CNTT đã giảm trung bình 19% trong khoảng thời gian từ tháng 1/2008 đến tháng 6/2009.
Các công ty buộc phải đưa nhân viên CNTT vào danh sách cắt giảm thu nhập, Sarah Mitchell, giám đốc của hãng tuyển dụng The Alexander Group, cho biết. Chính The Alexander Group cũng đã giảm lương của mọi người, gồm cả nhân viên CNTT. Không ai trong công ty tránh khỏi tác động vì chính sách cắt giảm. “Nếu phải làm điều đó (giảm lương), thì phải tiến hành trên toàn công ty. Các giám đốc không thể loại trừ ai trong danh sách này”, Mitchell nói.
Mitchell khuyến nghị các công ty đã giảm lương của nhóm nhân viên CNTT nên trao cho họ những cơ hội khác như đào tạo hay thêm trách nhiệm, cơ hội thăng tiến mới.
“Đó là một bài toán về chi phí/lợi nhuận”, Mitchell nói, và thêm rằng giảm 5% thu nhập của toàn nhân viên sẽ tiết kiệm cho công ty rất nhiều. “Nhưng họ lại đang rơi vào rủi ro mất nhân tài. Nhưng rủi ro đó cũng đáng bởi mọi nhân viên trong công ty sẽ cảm thấy thoải mái, cảm thấy được đối xử công bằng”. Tuy nhiên, Mitchell cũng gợi ý “hãy cam kết với mọi người công ty sẽ mau chóng phục hồi, và thu nhập của họ sẽ sớm tăng trở lại, hoặc ít nhất cũng đưa lại cho họ hy vọng tăng thu nhập”.
Giảm lương của các chuyên gia CNTT là một rủi ro, David Foote, CEO hãng nghiên cứu tiền lương giới CNTT Foote Partners, nói. “Bất mãn là vấn đề tồi tệ trong CNTT, và các công ty cần nhận ra điều đó. Nếu cắt giảm, những người tốt nhất sẽ ra đi”. Foote cho biết quyết định sa thải tạm thời thường được các hãng áp dụng hơn là cắt giảm lương của các chuyên gia CNTT.
“Những gì các công ty đang làm là sa thải bớt nhân viên, và đặt công việc lên lưng những người ở lại”, Foote nói. Tuy nhiên, tại các công ty vừa và nhỏ, chính sách cắt giảm thu nhập thường được áp dụng nhiều hơn.
“Lời khuyên của tôi vẫn là các CIO không nên bị cắt giảm thu nhập, trừ phi đó là trong công ty nhỏ, và phải có những biện pháp khích lệ khác”, Foote nói.
Nghỉ phép không lương: Giải pháp tối ưu hơn?
Một số công ty lại cắt giảm thu nhập dưới dạng cho nhân viên nghỉ phép không lương. Hãng National Public Radio đã yêu cầu tất cả nhân viên phải nghỉ phép 5 ngày không lương, tương đương giảm 2% thu nhập. Trong số 840 nhân viên của National Public Radio, có 72 người là chuyên gia CNTT với 45 người làm ở bộ phận Dịch vụ Thông tin, 17 người làm Phân phối và 10 người làm Truyền thông số. Đại diện truyền thông Danielle Deabler cho biết National Public Radio đã áp dụng chiến thuật nghỉ không lương 5 ngày, thay đổi 3 ngày nghỉ theo quy định được hưởng lương thành những ngày nghỉ không lương, và không ký quyết định tăng lương trong năm 2010. Những chính sách này áp dụng với mọi nhân viên, gồm cả bộ phận CNTT.
Dennis Haarsager, phó giám đốc cao cấp mảng công nghệ và hệ thống của National Public Radio cho biết tình hình còn tệ hơn. Các nhà lãnh đạo của National Public Radio không được nhận khoản tăng lương hàng năm như nhân viên vào tháng 1/2009, và phải làm việc 2 tuần cuối cùng của năm tài chính 2009 mà không được trả lương.
Georgia Technology Authority, cơ quan chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng CNTT và các dịch vụ mạng lưới của tất cả các đơn vị chính phủ trong bang, cũng áp dụng 3 ngày nghỉ không lương, tương đương giảm 1% thu nhập. Michael Clark, Giám đốc Phòng Truyền thông của Georgia Technology Authority cho biết không một nhân viên nào ra đi. Clark cũng cho biết 170 nhân viên của đơn vị không hề phàn nàn về chính sách này.
Nhưng Georgia Technology Authority không chỉ áp dụng chính sách trên để cắt giảm chi phí, mà thực ra mấy tháng gần đây họ đã tiến hành cắt giảm nhân lực mạnh mẽ, từ số 550 người xuống còn 170 người, bởi việc xóa bỏ một số chức năng, và ký 2 hợp đồng thầu lớn. Vừa qua, Georgia Technology Authority chuyển 291 nhân viên sang IBM theo hợp đồng kéo dài 10 năm giữa hai bên. Tiếp đó, họ lại chuyển 33 nhân viên sang AT&T theo hợp đồng dịch vụ mạng lưới trị giá 346 triệu USD kéo dài 5 năm.
Clark cho biết: “Chúng tôi chỉ áp dụng 3 ngày nghỉ không lương, và khi nền kinh tế phục hồi, doanh thu của bang tăng lên, áp lực nghỉ không lương sẽ không còn nữa”.