Ô mai đón Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngày này, phố Hàng Đường đông đúc hơn, vì thế, những hàng ô mai rộn ràng hơn. Hàng trăm loại ô mai rực rỡ sắc màu: nâu bóng, đỏ tươi, xanh mát mắt, ươm vàng màu nắng... đủ loại hương vị mà không hề hòa lẫn vào nhau.

Chẳng ai nhớ rõ ô mai đã có tự bao giờ, chỉ biết rằng cái thức quà dân dã này đã trở thành một "chất nghiện" rất đáng yêu của người Hà Nội. Người ta tìm đến đây để chọn những món quà Tết không thể thiếu và cũng để tìm cái hương vị chua chua  ngọt ngọt rất đỗi thân quen.

Ô mai Hà Nội dịu dàng mà đằm lắng như cô gái đất kinh kỳ. Dù có núp sau tủ kính của những cửa hàng lớn, hay rong ruổi phố phường trên những mẹt hàng rong bình dị, mùi vị thơm thảo ấy vẫn khiến bao người khắc khoải. Chua -  mặn vốn là hai vị chính của ô mai xưa. Để chiều lòng các thực khách khó tính, những người làm ô mai đã giảm bớt muối, thêm vị ngọt của đường, cam thảo bắc, gừng tươi... để làm ra hàng trăm vị khác nhau. Có ô mai chua, ô mai ngọt, ô mai kết hợp cả chua, cay, mặn, ngọt... Và cả ô mai khô, ô mai ướt, ô mai dẻo với đủ loại: mơ cam thảo, mơ nho xào gừng, mơ dẻo, sấu tươi xào, sấu giòn, khế xào, ô mai quất chua chua đăng đắng... Đã từ lâu, Hàng Đường đã được gắn cho cái tên "phố ô mai" với những cái tên nổi tiếng như Hồng Lam, Tiến Thịnh, Gia Lợi, Gia Thịnh...

Trên phố Hàng Đường, có cửa hàng thu hút khách khi biến tấu các loại ô mai thành những hình thú, hình hoa trông rất lạ mắt và cũng rất ngon miệng. Bên cạnh những loại ô mai chính hiệu của Hà Nội, hiện này có rất nhiều ô mai từ các tỉnh, thành phía Nam như Sài Gòn, Đà Lạt hay ô mai "ngoại" được bày bán. Và những ngày này, nhiều người vẫn đặc biệt ưu ái cho một loại ô mai chỉ có trong dịp Tết, đó là ô mai quất. Quả quất khía năm cánh, màu cam, ăn dẻo, thơm cay vị đặc trưng. Ngon nhất là mẻ ô mai quất áp chảo, cháy cạnh, vị thơm vô cùng. Và cùng với các sắc màu, mùi vị khác, những món quà nhỏ ấy như làm cho không khí Tết thêm rộn ràng hơn.