Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ô nhiễm kênh Tham Lương và Dự án trên 26.950 tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giải quyết tình trạng ô nhiễm mỗi trường và tìm biện pháp "hồi sinh" cho kênh Tham Lương, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án với số vốn đầu tư lên đến hơn 26.950 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai lại gặp không ít khó khăn.

Bài 2:  Chờ ngày... hồi sinh!

Dự án hàng chục ngàn tỷ đồng

Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã được phê duyệt, với mục đích tiêu thoát nước, cải thiện môi trường, kết hợp với việc mở rộng giao thông đường thủy, ổn định đời sống Nhân dân, chỉnh trang mặt bằng hai bờ kênh Tham Lương cho vùng đất rộng gần 15.000ha. Dự án này có chiều dài 32km, đi qua 7 quận (gồm: Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 12, quận 8) và huyện Bình Chánh, do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

 
Thi công dự án kênh Tham Lương rất chậm. Ảnh: Trường Bá
Thi công dự án kênh Tham Lương rất chậm. Ảnh: Trường Bá
Dự án được chia làm 2 giai đoạn thi công, trong đó giai đoạn 1 là nạo vét tuyến trục Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên để giải quyết ngập úng và cải thiện môi trường cho khu vực gần 15.000ha. Giai đoạn này được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2002 với số vốn đầu tư 157,579 tỷ đồng, tuy nhiên, sau 4 lần điều chỉnh để phù hợp với giai đoạn 2 thì số vốn đã đội lên hơn 1.950 tỷ đồng và gia hạn thời gian phải hoàn thành trong năm 2013.

Giai đoạn 2 của dự án theo phê duyệt có tổng số vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng và hoàn thành thi công cuối năm 2015. Cụ thể, sẽ xây dựng cống ngăn triều kết hợp âu thuyền tại cửa sông Vàm Thuật và Rạch Nước Lên. Nạo vét, gia cố bờ kênh bằng cừ bê tông dự ứng lực trên kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; xây dựng hệ thống thoát nước mưa và 2 nhà máy xử lý nước thải; cải tạo các kênh nhánh nối với kênh chính giữa quận Gò Vấp và quận Tân Bình; Hai bên kênh được xây dựng thành một hành lang giao thông.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án này rất chậm, gây bức xúc trong dư luận.

Chờ đến bao giờ?

Giai đoạn 1 của dự án do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập dự án và tư vấn thiết kế là Công ty CP Xây dựng tư vấn Sài Gòn. Giai đoạn này có tổng mức đầu tư trên 1.950 tỷ đồng chia cho 9 gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án mới đang thi công các gói thầu xây lắp số 3, 4, 5, 6, 11. Các gói thầu xây lắp còn lại vẫn chưa mở thầu. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện khối lượng thi công của các gói thầu mới hoàn thành ở mức rất thấp so với tiến độ đề ra (10 - 50%). Còn giai đoạn 2 của dự án thì hầu như vẫn là con số không.

Lý giải cho việc thi công chậm trễ tại dự án này, ông Nguyễn Ngọc Công - Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TP cho rằng: Dự án được phê duyệt vào năm 2002 và năm 2007 được UBND TP điều chỉnh, nhưng đến năm 2008, Chính phủ đã đặt vấn đề về biến đổi khí hậu đã tác động đến TP quá lớn cho nên toàn bộ các dự án phải tính toán lại, dẫn đến việc triển khai dự án phải kéo dài. Bên cạnh đó, dự án kênh Tham Lương - Bến Cát dài 32km trên địa bàn 8 quận, huyện với tổng số hộ dân được đền bù trên 2.200 hộ, đến nay còn lại 499 hộ dân chưa chịu di dời. Trong năm 2013, UBND TP đã yêu cầu các quận Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, quận 12 phải giải quyết dứt điểm giải tỏa mặt bằng để đến ngày 31/12/2013, giao cho Trung tâm thi công dự án, tuy nhiên đến nay, các quận này vẫn chưa bàn giao xong mặt bằng.

Ông Nguyễn Ngọc Công cho biết thêm: "Tuy mặt bằng không có nhưng trong những năm qua, chúng tôi cũng tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy được 31km/32km. Chúng tôi kết hợp lấy đất ở dưới kênh đắp lên 2 bên bờ và bố trí 46 cửa xả đã góp phần giải quyết các điểm ngập lớn ở các quận này”.

Theo ông Bùi Thế Hải - Trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng công trình, việc dự án chậm tiến độ còn nguyên nhân quan trọng nữa là do thiếu vốn: Đến thời điểm này, số tiền được giải ngân cho dự án rất thấp, hiện chúng tôi không còn tiền để chi trả bồi thường GPMB. Vừa qua, UBND TP đã thống nhất ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí khoảng 666 triệu USD vốn vay của Ngân hàng Thế giới cho các dự án thành phần thuộc dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Thế nhưng đến nay, số tiền này, chúng tôi vẫn chưa nhận được. Thiếu vốn, không biết dự án có hoàn thành kịp vào năm 2020 theo dự kiến hay không?”.

 Hậu quả của việc thi công chậm trễ Dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên càng khiến dòng kênh Tham Lương kéo dài thời gian bị "chết". Vậy, phải chờ đến bao giờ, dòng kênh Tham Lương mới được "hồi sinh" đang chờ lời giải của các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh.