Ô tô bị ngập nước bồi thường bảo hiểm thế nào?

Thái An/phapluatxahoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chủ xe thắc mắc trong trường hợp xe bị ngập nước do mưa lớn, xe ô tô có được bảo hiểm bồi thường hay không?

 

Ô tô bị ngập nước bồi thường bảo hiểm thế nào? - Ảnh 1
Sau trận mưa lớn ngày hôm qua tại Hà Nội, nhiều xe ô tô đã bị ngập nước, chết máy giữa đường

Trong những ngày gần đây, mưa lớn khiến nhiều phương tiện ô tô bị hư hỏng, chết máy giữa đường. Nhiều xe ô tô để tại các hầm chung cư trên địa bàn cũng bị hư hại do ngập nước. Vấn đề được nhiều người quan tâm là ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho những chiếc xe bị ngập nước?

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc xe bị hư hỏng khi ngập nước do mưa, bão lũ,… là trường hợp bất khả kháng do thiên tai. Đa số các trường hợp này đều được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên không phải trong trường hợp nào chủ xe cũng sẽ được bồi thường thiệt hại vì thiếu những điều kiện cần thiết.

Theo đó, nếu chủ xe phải tham gia bảo hiểm vật chất sẽ được đền bù. Tuy nhiên, trong hợp đồng bảo hiểm, cần thỏa thuận rõ về những trường hợp được bồi thường tổn thất, trong đó có bồi thường thiệt hại khi xe bị ngập nước do thiên tai. Ngoài ra, để được hưởng bồi thường thiệt hại, chủ xe phải chứng minh được xe hư hỏng là do ngập nước vì mưa, bão lũ…

Luật sư Nguyên viện dẫn, theo Điều 14 Nghị định 103/2008/NĐ-CP, khi chưa xác định đầy đủ thiệt hại, Cty bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả và mức bồi thường thiệt hại về tài sản được xác định theo thiệt hại thực tế.

Mức bồi thường tổn thất đối với trường hợp xe bị hư hại do thiên tai phải được căn cứ vào thiệt hại thực tế sau khi giám định thiệt hại tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm để bồi thường cho chủ xe theo quy định tại Điều 16 Quy tắc bảo hiểm về bồi thường tổn thất.

Đối với các xe bị ngập trong hầm chung cư, theo luật sư Nguyên, việc bồi thường cũng tiến hành như đã nói ở trên. Nếu chủ tài sản chưa mua bảo hiểm thì chủ đầu tư, BQL và cư dân có phương tiện thiệt hại ngồi lại với nhau để tìm phương án khắc phục, cũng như giải quyết thiệt hại.

Đầu tiên phải xác định hầm xe là sở hữu chung của cư dân hay của chủ đầu tư quản lý. Sau đó, xem lại phần hợp đồng mua bán căn hộ đã được ký kết giữa chủ đầu tư và cư dân. Trường hợp người ngoài vào chung cư giữ xe phải căn cứ trên hợp đồng giữ xe giữa hai bên. Sau khi xem xét tất cả vấn đề pháp lý đã ký kết trước đó, sẽ có phương án giải quyết thỏa đáng giữa các bên.

“Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những tình huống như trên, trước hết cần xác định giữa chủ sở hữu của các tài sản có quan hệ gửi, giữ xe với chủ đầu tư hay BQL tòa nhà hay không? Việc xác định căn cứ vào việc cư dân chung cư này đã đóng phí gửi cho tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì lúc này giữa các bên đã xác lập hợp đồng gửi, giữ tài sản theo điều 559 Bộ luật Dân sự”, luật sư Nguyên cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Xuân, Cty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết, khi khách hàng tham gia bảo hiểm vật chất cho xe ô tô sẽ được bảo hiểm bồi thường nếu xe bị ngập nước

“Cty bảo hiểm sẽ bồi thường cho khách hàng dựa theo chi phí thực tế. Tuy nhiên, nếu chi phí thực tế vượt quá 75% giá trị xe hoặc không thể sửa được, Cty bảo hiểm sẽ bồi thường toàn bộ theo giá trị xe và thu hồi lại chiếc xe đó”, ông Xuân nói.

Tuy nhiên, không phải cứ xe bị ngập nước sẽ được bồi thường dù mua bảo hiểm vật chất, bởi đây là điều khoản phải mua thêm, cụ thể là hạng mục thủy kích. Theo ông Xuân, nếu mua cả bảo hiểm thủy kích, thông thường, khách hàng sẽ phải chi trả thêm 0,1% giá trị xe, cộng vào số tiền mua bảo hiểm vật chất.

“Nếu đã mua bảo hiểm thủy kích, khi xe bị ngập nước chắc chắn sẽ được bồi thường. Cũng có những Cty bảo hiểm ghi vào điều khoản từ chối trong trường hợp xe bị vào nước, chết máy nhưng chủ xe cố đề nổ lại. Tuy nhiên điều này là vô lý bởi khó có thể biết được chủ xe có cố tình đề nổ lại hay không. Hoặc thậm chí xe đã có thể bị thủy kích ngay khi chết máy lần đầu, dù tài xế không cố đề nổ lại. Vì vậy, hầu hết các Cty bảo hiểm hiện nay đều đã bỏ điều khoản từ chối này”, ông Xuân nói thêm.