Ô tô điện cần kịch bản phát triển bền vững

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khoảng 3 năm qua, xe ô tô điện, bao gồm cả xe vận tải khách công cộng, đã có sự gia tăng mạnh về số lượng, cho thấy xu hướng rõ rệt sẽ dần thay thế xe xăng trong tương lai gần.

Vấn đề đặt ra là phải có một kịch bản nhằm phát triển bền vững cho loại hình phương tiện hiện đại và đầy ưu thế này.

Mẫu ô tô điện e34 của VinFast là mẫu xe điện phổ thông đầu tiên được mở bán rộng rãi tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh  
Mẫu ô tô điện e34 của VinFast là mẫu xe điện phổ thông đầu tiên được mở bán rộng rãi tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh  

Bất cập nhỏ, hệ lụy lớn

So với lịch sử hình thành và phát triển của ô tô sử dụng xăng, dầu, xe điện có quá ít thời gian để hoàn thiện. Nhiều bất cập vẫn chưa có cách giải quyết căn cơ. Đơn cử như chưa đáp ứng được các chuyến đi dài do dung lượng pin hạn chế trong khi quá thiếu các trạm sạc. Hay chi phí cho pin rất lớn, có thể chiếm từ 30 - 50% tổng giá thành. Số tiền chủ xe phải bỏ ra thay thế khi pin hết vòng đời còn có thể cao hơn cả chi phí nhiên liệu của xe xăng dầu có cùng một quãng thời gian vận hành. Các nhà sản xuất pin còn ít, nguồn cung chủ yếu là nhập khẩu, không linh hoạt khi cần thay thế…

Vấn đề nhiên liệu đã sớm cho thấy yếu điểm của xe điện trong thực tế vận hành tại Việt Nam. Ví dụ như hiện tượng xe điện hết pin vì phải nổ máy, chờ đợi quá lâu khi tắc đường, xảy ra trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua. Hệ thống dịch vụ phục vụ xe điện hiện nay cũng còn khá sơ khai, chỉ có tại các trung tâm chăm sóc của nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh. Những chiếc xe điện khi hết pin trên cao tốc hay hỏng hóc dọc đường rất khó tìm được sự hỗ trợ lưu động, kịp thời. Mặc dù xe ô tô điện đã nhanh chóng chinh phục khách hàng bằng các tiêu chí: sạch, đẹp, văn minh, an toàn… nhưng lại chưa thể mang đến sự an tâm cho người sử dụng.

Mặt khác, xe ô tô điện đang phát triển rất nhanh trong khi khung chính sách quản lý lại chưa theo kịp. Các vấn đề như: Kiểm định kỹ thuật, xử lý pin “hậu” sử dụng… chưa có quy định rõ ràng, riêng biệt. Các nhà sản xuất xe điện đều công nhận, phương tiện này không gây ô nhiễm do phát thải như xe xăng, dầu nhưng pin lại là một nguồn ô nhiễm tiềm tàng nếu không xử lý tốt.

Ở Hà Nội, xe điện phục vụ vận tải khách công cộng đã xuất hiện từ lâu nhưng chủ yếu phục vụ khách du lịch. Gần đây mới bắt đầu xuất hiện xe buýt điện trong nội đô của một đơn vị duy nhất là Vinbus. Nhiều người mong muốn xe buýt điện sẽ dần thay thế toàn bộ xe buýt chạy bằng xăng dầu hiện nay; nhưng TP lại chưa có thêm DN nào đủ điều kiện, đủ quyết tâm để đầu tư cho nó.

Ít năm qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương dường như đang tập trung tạo mọi điều kiện cho xe điện phát triển về số lượng, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề về hạ tầng, môi trường, an toàn kỹ thuật đối với loại hình còn rất mới mẻ này. Đó sẽ trở thành những bất cập sớm bộc lộ, gây hệ lụy không nhỏ cho cả người dân lẫn các nhà sản xuất.

Bắt đầu từ chính sách

Việc phát triển xe điện thân thiện với môi trường, an toàn và văn minh hơn là xu thế tất yếu của cả thế giới cũng như Việt Nam. Nhưng muốn phát triển bền vững cần có chính sách cụ thể, toàn diện và chiến lược lâu dài.

Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã hỗ trợ rất mạnh mẽ, giúp cho xe buýt điện, ô tô điện gia tăng nhanh về số lượng. Tuy nhiên, các vấn đề về hạ tầng phục vụ xe điện lại chưa theo kịp. Ví dụ như tại Hà Nội, các “cây xăng dầu” đã được đưa vào quy hoạch đô thị, có vị trí chi tiết cho mỗi phân khu, dựa trên tính toán số lượng dân cư và nhu cầu đi lại. Các trạm sạc xe điện cũng cần được đưa vào quy hoạch tương tự.

Trạm sạc xe điện không chỉ đơn thuần là một tổ hợp các phích cắm tiếp điện, nó đòi hỏi phải có nguồn cung điện lưới ổn định, đủ sức chịu tải, đảm bảo an toàn cháy nổ cho khu vực xung quanh. Mặt khác nó cũng cần được tính toán dựa trên nhu cầu thực tế như “cây xăng dầu”, không thể lắp đặt tuỳ tiện khắp nơi, cũng không thể quá thưa thớt. Cùng với đó, cần xây dựng một hệ thống dịch vụ sửa chữa, chăm sóc xe điện chuyên nghiệp, hiện diện rộng khắp tại các địa phương. Thiếu nguồn cung nhiên liệu, lại thiếu hỗ trợ kỹ thuật; giá thành sửa chữa, chăm sóc đắt đỏ là những rào cản lớn nhất khiến xe ô tô điện khó phổ biến trong đời sống người dân.

Chính phủ cần đốc thúc các bộ: GTVT, TN&MT, Công an… sớm xây dựng cơ chế quản lý đối với xe điện và pin song song với việc đưa ra những chính sách khuyến khích sự gia tăng về số lượng loại hình phương tiện này. Khi xe điện trở nên phổ biến với hàng triệu chiếc, những lỗ hổng trong quy định của pháp luật đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng xe điện sẽ trở nên phức tạp hơn, khó giải quyết hơn rất nhiều. Đặc biệt vấn đề môi trường khi sản xuất cũng như xử lý pin xe điện hết hạn cần được làm rõ trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có chế tài phù hợp để đảm bảo đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Việc dần thay thế các phương tiện vận tải khách công cộng sử dụng xăng dầu bằng xe điện cũng là một vấn đề cần được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ. Các cấp quản lý cần đưa ra chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN vận tải chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Trong đó đặc biệt là ưu đãi về thuế, phí và đào tạo nguồn nhân lực.

Đơn cử như Hà Nội hiện nay, có hàng nghìn tài xế xe buýt, nhưng số người biết vận hành, chăm sóc xe buýt điện lại không quá 10%. TP cần có chính sách kêu gọi, hỗ trợ người lao động tiếp cận với xe buýt điện, đào tạo tay nghề và những hiểu biết cần thiết để khi chuyển đổi có sẵn một lực lượng nhân sự dồi dào, phù hợp.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách phát triển xe ô tô điện ở nước ta hiện nay đang tập trung vào một số DN nhất định, chưa mang tính chiến lược toàn diện. Khi nhiều DN cùng lúc tham gia vào sản xuất, kinh doanh, chăm sóc xe điện với muôn vàn biến số phát sinh, các nhà quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn không thể giải quyết trong một sớm một chiều.