Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ô tô tránh phí đi qua đê Phù Đổng: Liên tiếp gây tai nạn giao thông

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 tuần Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đi vào hoạt động, rất nhiều ô tô, xe tải tránh phí đi vào đường đê Phù Đổng (huyện Gia Lâm), đã gây nên cảnh ùn tắc và nguy hiểm hơn là liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông, gây nhiều lo lắng, bức xúc cho người dân.

Vừa từ chợ Gióng về, mồ hôi nhễ nhại, bà Đoàn Thị Đoan, thôn Phù Dực 2 đã bức xúc than vãn: “Xe cộ thế này thì chúng tôi chết mất. Ai lại từ sáng tới tối, xe nhỏ xe to ngược xuôi nối đuôi nhau đi qua làng, chiếm hết phần đường của người dân. Nhiều hôm đường tắc dài ở khu hầm chui, tôi phải quay lại đi vòng qua cánh đồng mới về được nhà”. Gay gắt hơn, ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Phù Dực 1 thắc mắc: “Chả nhẽ các cấp, ngành không ai quan tâm đến người dân chúng tôi sao. Làng xóm chúng tôi đang yên bình, giờ xe tải, xe khách ở đâu ùn ùn tiến vào, chen lấn, phá nát đường đê. Tai nạn liên tục xảy ra. Sắp tới cháu tôi đi học tiểu học phải đi qua đường đê, liệu có an toàn hay không?”. Không chỉ bà Đoan, ông Tuấn, hầu hết người dân xã Phù Đổng đều lo lắng, bức xúc về việc xe ô tô tránh trạm thu phí phí đi vào đường đê của xã.
Xe ô tô chen lấn đi vào đường đê Phù Đổng ra cao tốc. Ảnh: Ngọc Hải
Xe ô tô chen lấn đi vào đường đê Phù Đổng ra cao tốc. Ảnh: Ngọc Dũng
Theo UBND xã Phù Đổng, từ ngày 25/5, đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang bắt đầu thu phí các loại xe ô tô với mức giá một lần, thấp nhất từ 35.000 - 200.000 đồng/lượt. Điều bất hợp lý là các đường nhánh nối vào đường cao tốc không có các trạm kiểm soát thu phí. Do vậy, từ Hà Nội, xe lớn xe nhỏ nối nhau lũ lượt rẽ vào đê Phù Đổng vòng sau lưng trạm thu phí đi lên Bắc Ninh. Hướng Bắc Giang - Hà Nội, khi đến cầu vượt Đại Đình, Từ Sơn (Bắc Ninh) xe cộ lại vòng đi đường Phù Chẩn - Phù Đổng để tránh phí. Cứ thế, mỗi ngày hàng trăm lượt xe ùn ùn qua lại trên đường đê Phù Đổng. Đoạn đê này dài khoảng 2km, là trục đường chính nối các thôn Phù Dực, Phù Đổng… qua đền Gióng, chợ Gióng và 3 trường học: Mầm non, Tiểu học, THCS Phù Đổng với tổng số học sinh khoảng 3.000 em.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, trước đây trên đoạn đường này, mỗi ngày chỉ vài ba chục lượt xe chạy qua, chủ yếu là xe tải nhỏ, xe ô tô con của người dân trong xã nhưng từ khi trạm thu phí đi vào hoạt động, lượng xe qua địa bàn xã Phù Đổng tăng đột biến, mỗi ngày có tới vài trăm lượt xe tải, xe khách… mang BKS các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội… Vào giờ cao điểm sáng - chiều, đoạn đường này thường xuyên xảy ra ách tắc, đặc biệt là ở khu vực hầm chui dân sinh bởi đường hẹp, chỉ một ô tô đi vừa. Ngay trong ngày 16/6, khi chúng tôi có mặt ở xã Phù Đổng thì một vụ tai nạn ở khu vực hầm chui cũng vừa xảy ra. Một ô tô do tránh chiếc xe ngược chiều đã lao xuống đường đê, làm đổ tường rào của một nhà dân ven đường, đầu xe bị hỏng nặng.

Theo ông Trần Đức Đông - Trưởng Công an xã Phù Đổng, xe ô tô tránh phí đi vào đường đê Phù Đổng đã gây ra nhiều hệ lụy. Hầu như ngày nào cũng xảy ra tai nạn, có vụ còn dẫn tới tắc đường. Trước đây, cả tháng chỉ có 2 - 3 vụ TNGT liên quan đến đường cao tốc nhưng từ ngày 25/5, TNGT xảy ra chủ yếu ở khu vực dân cư. Va chạm nhỏ thì xảy ra rất nhiều nhưng người liên quan tự giải quyết. Không chỉ gây tai nạn, xe ô tô còn gây thiệt hại công trình điện lưới; làm đổ 2 cột điện chiếu sáng và truyền thanh ở thôn Phù Đổng 1 và Phù Đổng 2. Chưa hết, đường đê này là đê dân sinh, được đổ nhựa asphalt từ năm 2011 khi Hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng chỉ chưa đầy một tháng nay, các loại xe ô tô tránh phí đi vào đã làm cho xuống cấp, biến dạng; đường đê lún 2 bên, mặt đường võng xuống, nứt vỡ nhiều chỗ.

Thượng tá Hoàng Xuân Trường - Phó Trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết, tình trạng quá nhiều xe ô tô đi vào đường đê Phù Đổng đã gây ra nhiều mối lo, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Trước mắt, đề nghị Sở GTVT Hà Nội khảo sát cắm biển báo cấm trọng tải lớn, bởi đó là tuyến đường đê và cấm xe tải vào giờ cao điểm nhằm hạn chế ách tắc. Còn về lâu dài, theo ông Lê Anh Quân - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, việc chọn vị trí đặt trạm thu phí như hiện nay là chưa hợp lý, đề nghị doanh nghiệp BOT cần nghiên cứu lại. Bên cạnh đó, ông Quân đề nghị các ban ngành phối hợp với UBND huyện Gia Lâm để tìm cách tháo gỡ, giải quyết tình trạng này.
Tính đến ngày 16/6, các lực lượng công an huyện Gia Lâm đã xử lý 45 trường hợp ô tô vi phạm, trong đó có 6 trường hợp đi vào đường cấm, 5 trường hợp quá tải, 4 trường hợp rơi vãi, 8 trường hợp xếp hàng lệch xe, 5 trường hợp dừng đỗ sai quy định.