KTĐT - Sau vấn đề
Hôm 4/4, ông Obama đã chính thức tuyên bố chiến dịch tái tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới thông qua một video tải lên mạng và email tới những người ủng hộ. Lý giải về động thái này, ông Obama cho biết: "Chúng tôi làm công việc này ngay bây giờ vì chúng tôi tin rằng, chính trị không nên khởi đầu bằng những loạt quảng cáo đắt tiền trên truyền hình, mà chính trị phải gắn với các bạn, với những đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm của các bạn… Và đó là chiến dịch cần có thời gian để xây dựng". Ông Obama cũng cho biết đã nộp giấy tờ cần thiết cho Ủy ban Bầu cử Liên bang, việc sẽ cho phép bắt đầu chiến dịch gây quỹ tranh cử. Các cố vấn hy vọng sẽ huy động được số tiền ủng hộ kỷ lục: 1 tỷ USD (so với 750 triệu USD của năm 2008).
Mặc dù, đã đi một nước cờ khá khôn ngoan nhưng ông Obama vẫn vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía đối thủ. Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa cho biết, đã thiết kế lại website của mình nhằm phát động chiến dịch kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến để đánh bại ông Obama trong cuộc bầu cử năm 2012. Các nhà phân tích nhận định, việc tuyên bố tái tranh cử không sai, nhưng cái sai lớn nhất của Tổng thống là chọn thời điểm không thích hợp khi dư luận trong nước vẫn chưa "hạ nhiệt" sau quyết định tham gia chiến dịch can thiệp quân sự Libya của ông Obama. Ngoài ra, vấn đề nợ công, cắt giảm ngân sách cũng đang làm chính trường Mỹ "nóng" lên.
Trong Dự thảo Ngân sách cho năm tài khóa 2011 được trình bày trước Quốc hội hôm 5/4, Đảng Cộng hòa đề xuất cắt giảm 4.000 tỷ USD trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, để tránh Chính phủ phải ngừng hoạt động vào 8/4 tới trong trường hợp hai đảng không thống nhất trong vấn đề ngân sách, Đảng Cộng hòa đã đề xuất một biện pháp tạm thời mới để duy trì hoạt động của Chính phủ. Đó là sẽ cung cấp 515,8 tỷ USD để duy trì hoạt động của Chính phủ tới ngày 30/9 và thực hiện cắt giảm khoảng 2 tỷ USD mỗi tuần, bao gồm việc giảm 2,5 tỷ USD từ các chương trình lao động và sức khỏe; 2 tỷ USD từ vận tải, nhà ở; 1,4 tỷ USD từ an ninh quốc gia và nông nghiệp; 1,3 tỷ USD từ chi tiêu của Bộ Nội vụ.
Ngoài tranh cãi về ngân sách, nước Mỹ còn đối mặt với một mối nguy khác là vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner hôm 4/4 cho biết, nợ công của Mỹ sẽ chạm trần 14.300 tỷ USD, muộn nhất là 16/5 nếu Quốc hội không có biện pháp ngăn chặn. Ông Geithener cảnh báo: "Quốc hội càng hành động chậm trễ, chúng ta càng có nguy cơ đánh mất lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và trên thế giới". Nếu trần nợ công không được nâng lên vào ngày 16/5, Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng lãi suất tăng cao, phải ngừng hoặc trì hoãn thanh toán cho quân đội, người về hưu và lao động trong các lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh rằng: "Sự vỡ nợ của nước Mỹ là điều không thể tưởng tượng nổi" và nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính có thể nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng trước đó. Hiện, trần nợ công vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ, trong khi các nhà lập pháp muốn tăng trần nợ thì nhiều nghị sỹ Đảng Cộng hòa muốn sử dụng mức trần này để ép chính quyền của ông Obama cắt giảm chi tiêu.