Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ồn ào danh hiệu “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam”: Đánh tráo khái niệm

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những ồn ào về việc mua danh hiệu, tôn vinh những xưng danh gây chú ý như: Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Việt, Nữ hoàng Thực phẩm Việt…, chiều 10/7, Á hoàng Doanh nhân Nguyễn Thụy Oanh – Trưởng Ban tổ chức chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” đã tổ chức gặp gỡ báo chí và xin lỗi vì những sai sót trong khâu tổ chức.

Xin lỗi vì sai sót
Năm thứ 2 tổ chức, chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” được cấp giấy phép và tiếp nhận tổ chức ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 13/7.
Trước ngày diễn ra, đơn vị tổ chức đã tung lên trên mạng những thiệp mời gây xôn xao: Chuyển từ chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” thành “Trao giải danh hiệu Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” cùng một loạt các logo bảo trợ thông tin của các báo đài uy tín.
 Trưởng Ban tổ chức chương trình Á hoàng Doanh nhân Nguyễn Thụy Oanh trả lời báo chí chiều 10/7.
Tuy nhiên, cho đến nay, đơn vị tổ chức đã phải thu lại giấy mời vì sai sót tên gọi và làm thư xin lỗi báo chí. Ngoài ra, trong 2 ngày 8 và 9/7, Ban tổ chức đã liên tục phải giải trình với các cơ quan chức năng về thủ tục pháp lý, nội dung chương trình, những điều còn mập mờ về cuộc thi hay tôn vinh?
Cho dù bị dư luận phê phán, cơ quan chức năng yêu cầu giải trình nhưng trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 10/7, bà Oanh khẳng định mình đang cầu thị lắng nghe để tiếp tục chương trình này với phương án: Không lùi ngày, không thay đổi kịch bản tổ chức.
“Nếu theo các phương án trên thì tôi là người làm việc không có uy tín” – bà Oanh bày tỏ. Các cơ quan chức năng đã khẳng định chương trình đang phạm luật: Trao danh hiệu mà không xin phép tổ chức cuộc thi.
Tuy nhiên, bà Oanh cho rằng, đây không thể gọi là cuộc thi vì không có các màn thi nhan sắc. Nhìn vào quá trình tổ chức chương trình, có thể khẳng định Ban tổ chức đang thực hiện tất cả các hoạt động của một cuộc thi sắc đẹp. Với việc không có các màn thi nhan sắc, Ban tổ chức nhận hồ sơ và xét chọn, Ban giám khảo cuộc thi được thay bằng Ban chỉ đạo, đêm trao giải được thay bằng đêm tôn vinh có trao vương miện và quyền trượng, có giá trị giải thưởng…
Giải thích về những lùm xùm mà chương trình đang vướng phải, bà Oanh cho rằng: “Có thể vì tôi làm một chương trình uy tín, tôi muốn được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội để nhiều người tham gia hơn nên là nguyên nhân của những lùm xùm”.
10 triệu đồng/hồ sơ đề nghị tôn vinh

Theo thông tin từ bà Oanh: Năm nay, Ban tổ chức nhận được 700 đơn đề nghị đăng ký xét duyệt được tôn vinh là Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019. Từ các đơn đề nghị này, Ban Chỉ đạo đã xét chọn ra hơn 200 hồ sơ vào vòng tiếp theo và khoảng 40 hồ sơ lọt vào vòng thẩm định cuối cùng.
Theo yêu cầu của Ban tổ chức, mỗi người tham dự khi nộp hồ sơ sẽ phải đóng 10 triệu đồng lệ phí xét duyệt và tổ chức chương trình. Năm 2018, Ban tổ chức đã trao 26 danh hiệu, trong đó 11 danh hiệu Nữ hoàng, 15 danh hiệu Á hoàng và các gương mặt lọt top 5, top 10.
Năm 2019, dự kiến số lượng Nữ hoàng được trao tặng sẽ tăng lên đáng kể: “Chúng tôi kỳ vọng tôn vinh được khoảng 10 ngành nghề khác nhau cho từng danh hiệu. Mỗi ngành nghề chúng tôi kỳ vọng sẽ có một Nữ hoàng, 2 Á hoàng” – bà Nguyễn Thụy Oanh cho biết.
Với số lượng danh hiệu như trên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng cuộc tôn vinh này càng góp phần hạ giá danh xưng nữ hoàng. Trong tâm niệm của nhiều người, Nữ hoàng còn cao quý hơn danh hiệu Hoa hậu, nhưng một năm có đến mấy chục nữ hoàng thì là sự “khủng hoảng” danh hiệu.
Có thể thấy, bằng việc đánh tráo khái niệm, Ban tổ chức đang cố tình để cuộc thi không chịu sự kiểm soát của quy định về nghệ thuật biểu diễn. TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Cần chấn chỉnh danh hiệu để có thương hiệu xứng đáng, có những tấm gương đích thực giúp mọi người hướng đến.