Ổn định tỷ giá hối đoái

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ giá USD/VND theo xu hướng giảm suốt từ đầu năm 2021 đến nay. Cách thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được cho là phù hợp với thị trường tiền tệ, góp phần ổn định vĩ mô, giảm áp lực nhập khẩu lạm phát, hỗ trợ DN. Các chuyên gia dự báo tỷ giá sẽ không có nhiều biến động từ nay đến cuối năm 2021.

USD dồi dào, tỷ giá giảm 

Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm giá mua vào USD là 475 đồng, tương ứng 2% (ngày 8/6, giảm giá mua USD 150 đồng, ngày 10/8 giảm 225 đồng và ngày 5/11, giảm 100 đồng). Giá bán USD tại các ngân hàng khác cũng liên tục đi xuống.

Nguồn USD trên thị trường hiện nay khá dồi dào. Theo Công ty CP chứng khoán SSI, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trong tháng 10 khi hoạt động xuất khẩu hồi phục trở lại. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ 0,33% so với cùng kỳ (tháng 9 giảm 0,52%). Tốc độ nhập khẩu tăng thấp hơn, với 8,1% so với 10,2% trong tháng 9. Do đó, cán cân thương mại nới rộng thặng dư 1,1 tỷ USD từ mức 360 triệu USD trong tháng 9, và đánh dấu tháng xuất siêu thứ hai liên tiếp. Điều này giúp cán cân thương mại 10 tháng thu hẹp mức thâm hụt xuống chỉ còn -1,5 tỷ USD.

 Ảnh minh họa.

Ngoài ra, lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực cũng như các thương vụ mua bán cổ phần, phát hành trái phiếu có giá trên thị trường quốc tế đã góp phần tăng nguồn ngoại tệ trong nước lên cao. Hiện trên thị trường, nguồn cung ngoại tệ liên tiếp chảy về trong thời gian gần đây.

Điển hình nhất, VPBank vừa nhận khoản tiền bán vốn tại FE Credit từ đối tác SMBC (khoảng 1,4 tỷ USD). Hay hoạt động vay vốn nước ngoài của các ngân hàng thương mại cũng đem lại nguồn ngoại tệ dồi dào. Trong đó, Techcombank huy động thành công 800 triệu USD trái phiếu quốc tế; SHB thông báo kế hoạch niêm yết 300 triệu USD trái phiếu quốc tế tại Singapore…

Xu hướng lên giá của VND so với USD diễn ra nhiều tháng qua trong bối cảnh Mỹ nới lỏng tiền tệ, bơm ra thị trường một lượng lớn tiền trong nhiều năm qua. Và mức độ cắt giảm cho đến nay cũng được đánh giá là lớn hơn và sớm hơn dự kiến, tiếp tục thể hiện chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động của NHNN.

Bình luận về xu hướng tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây, TS. Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, việc điều hành tỷ giá từ đầu năm đến nay khá linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường ngoại hối, dự trữ ngoại tệ nhằm ổn định thị trường này. Đồng USD giảm giá có phần bất lợi cho DN xuất khẩu, tuy nhiên, phần lớn đầu vào của DN xuất khẩu là nguyên vật liệu nhập khẩu nên USD giảm giá góp phần giảm giá hàng hóa nhập khẩu. Điều này cũng hỗ trợ giảm lạm phát nhập khẩu. 

Tỷ giá ổn định tạo đà cho xuất, nhập khẩu

Theo số liệu phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cung cấp cho nhà đầu tư, giá trị dự trữ ngoại hối Việt Nam đã đạt mốc 105 tỷ USD, mức cao kỷ lục mới. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tỷ giá dự kiến sẽ đi ngang và biến động trong biên độ hẹp trong giai đoạn cuối năm 2021 do nguồn cung USD tiếp tục duy trì ổn định. Trong khi đó, Khối nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ giảm xuống 22.525 VND/USD vào cuối năm 2021.

Với việc tỷ giá ổn định, các DN có vay nợ bằng ngoại tệ khả năng cao sẽ hưởng lợi nhất định. Khi giá USD giảm so với VND, quy mô nợ của các khoản vay bằng USD cũng giảm tương ứng, có thể kể đến một số DN đang có vay nợ bằng USD như Hòa Phát, May Sông Hồng hay GSP...

Còn đối với kênh lưu giữ USD đã không còn được ưu tiên. Chính sách lãi suất hiện nay của Việt Nam áp dụng cho tiền gửi USD ở mức 0% và cung ngoại tệ dồi dào và khả năng mất giá của VND thấp với bối cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam tốt như hiện nay làm cho nắm giữ USD không còn sinh lợi mà chỉ có tác dụng “bảo toàn” trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với dự báo giảm giá USD từ nay đến cuối năm, các chuyên gia tại HSBC cho rằng sẽ phải đợi đến năm 2022, tỷ giá USD/VND mới đảo chiều về lại mức 23.000 đồng/USD. Điều này diễn ra trong bối cảnh trên thị trường quốc tế, USD có xu hướng mạnh lên trước viễn cảnh Fed sẽ dần thắt chặt tiền tệ.

Gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu thu hẹp gói kích thích kinh tế ngay từ cuối năm nay, trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất. Không chỉ Fed mà nhiều Ngân hàng Trung ương lớn cũng phát tín hiệu thu lại các biện pháp kích thích tiền tệ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh. Điều đó khiến các đồng tiền lớn liên tục biến động.

Với dòng vốn đầu tư nước ngoài, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn chính của dòng vốn ngoại hối, chiếm 5,9% GDP. Tuy nhiên, dòng tiền này đang chậm lại, với các khoản đầu tư đã thực hiện hàng tháng giảm từ mức trung bình 1,8 tỷ USD giai đoạn tháng 4 - 12/2020 xuống còn 1,6 tỷ USD trong giai đoạn tháng 4 - 7/2021.

Bên cạnh đó, cầu ngoại tệ được dự báo sẽ tăng cao, một phần do tình mùa vụ, một phần do hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu tăng cao.

NHNN cho biết, năm 2022, trên cơ sở mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, diễn biến thị trường trong, ngoài nước, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đồng thời, NHNN cũng sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.