Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ôn tập môn Lịch sử thi vào lớp 10: Để được điểm cao học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, biết cách vận dụng

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Học sinh ôn tập môn Lịch sử bằng cách tự làm các bài trắc nghiệm, vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống và ôn lại kiến thức, đồng thời rèn kỹ năng luyện đề tổng hợp.

UBND TP Hà Nội mới có thông báo vẫn giữ nguyên phương án tổ chức thi vào lớp 10 trường THPT công lập năm học 2021 – 2022 với 4 môn thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử. Thời gian tổ chức kỳ thi này vào ngày 10 và 11/6/2021.
Như vậy, chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi chuyển cấp rất đỗi quan trọng này. Đối với môn thi thứ tư Lịch sử là sự bất ngờ với nhiều học sinh bởi năm 2019 – 2020, TP Hà Nội cũng đã lựa chọn môn này nên các em không ôn luyện từ đầu.
Cô Nguyễn Huệ Linh đang ôn tập môn Lịch sử cho các em học sinh lớp 9 trường THCS Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội). 
Vì thế, để kiếm điểm cao đối với bài thi môn Lịch sử, thời gian ôn luyện nước rút này là vô cùng quan trọng. Cô Nguyễn Huệ Linh – Giáo viên Lịch sử trường THCS Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết, để giúp cho học sinh bước vào kỳ thi chuyển cấp, các giáo viên đã có kế hoạch ôn tập môn Lịch sử chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là hệ thống hóa kiến thức theo từng chuyên đề, dưới dạng sơ đồ tư duy, làm bài tập minh họa cho từng chuyên đề. Giai đoạn  thứ 2  là luyện  Đề tổng hợp.
Từ nay đến ngày thi, thời gian không còn nhiều, để đạt điểm cao học sinh cần tăng cường làm các  câu hỏi  vận dụng. Muốn thế các thầy cô ôn luyện phải đầu tư nhiều hơn thời gian, công sức, kinh nghiệm giúp học sinh tìm ra cách trả lời những câu hỏi nâng cao, các mẹo để tìm ra phương án đúng nhất; phát hiện những chỗ đánh đố để biết cách trả lời đúng.
 Cô Nguyễn Huệ Linh khuyên các em học sinh muốn đạt được điểm cao môn thi Lịch sử thì cần nắm chắc kiến thức cơ bản, biết cách vận dụng. 
Cô Nguyễn Huệ Linh đưa ra lời khuyên, ngoài thời gian học sinh lớp 9 được giáo viên ôn tập online theo lớp, các em có thể vào phần mềm Hanoi Study của Sở GD&ĐT Hà Nội để tự làm những bài tập trắc nghiệm trên đó. Bên cạnh đó, học sinh hãy vẽ lại những sơ đồ tư duy mà thầy cô đã dạy để nhớ lại bài. “Có thể hai bạn học sinh online trao đổi với nhau để cùng ôn tập; hoặc bố mẹ vào cuộc ngồi cùng đóng vai thầy cô giáo đọc câu hỏi cho con trả lời những câu hỏi”  – cô Huệ Linh đưa ra lời khuyên.
Việc ôn tập môn Lịch sử chỉ nên kéo dài trong 90 phút  mỗi ngày vào một thời gian  cố định  mà học sinh thấy phù hợp.
Cùng với việc ôn lại kiến thức, trong khoảng thời gian này, học sinh  nên làm đề thi tuyển sinh năm trước bằng những bộ đề do các thầy cô giáo giỏi, có kinh nghiệm xây dựng để rèn kỹ năng. Nhưng trước khi làm đề, học sinh phải nắm chắc kiến thức, hiểu bài. Khi đọc các câu hỏi, học sinh biết tìm chìa khóa của các câu hỏi đó ở đâu, hỏi về những vấn đề gì. Học sinh phải đọc kỹ những phương án đề bài nêu để lựa chọn phương án nào là phù hợp nhất; loại bỏ những phương án gây nhiễu, gây rối bằng phương pháp loại trừ.
Vì môn Lịch sử được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan nên học sinh phải có sự phân bổ thời gian hợp lý. Ví dụ, mỗi câu hỏi trắc nghiệm chỉ làm trong 1 phút. Nếu gặp câu nào 1 phút chưa làm xong, học sinh có thể để lại, và làm những câu khác để tránh bị mất thời gian. Sau khi làm hết một lượt, học sinh sẽ quay lại làm những câu hỏi chưa làm được.
“Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019, với môn Lịch sử, tôi thấy các em học sinh thường mắc lỗi ở câu phủ định, dễ bị đánh lừa, ví dụ như: Không phải là...và một số câu hỏi vận dụng phải suy luận theo “phương pháp bắc cầu”.  Vì thế, học sinh cần hết sức lưu ý đối với những câu hỏi này khi làm bài. Trong năm học trước, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra đề khá hay, câu hỏi có chọn lọc để phù hợp với trình độ học sinh. Phân loại được học sinh giúp các em vững tin hơn khi thi môn  Lịch sử.
Vì thế, với môn Lịch sử những bạn nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được 8 – 8,5 điểm; những bạn chăm chỉ và biết vận dụng có thể đạt trên  9 điểm”- cô Nguyễn Huệ Linh cho biết.