Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ôn thi THPT Quốc gia 2020: Có chiến thuật khoa học

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, các sĩ tử đã đi được nửa chặng đường ôn tập Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Nam – giảng viên Vật lý, Học viện Kỹ thuật Quân sự xung quanh giải pháp giúp thí sinh ôn thi đạt kết quả cao.

 Ông Nguyễn Thành Nam
Sửa ngay những sai lầm
Thưa ông, khi trường tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, các học sinh (HS) tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 nên ôn luyện thế nào để vẫn đảm bảo tiến độ học tập?
- Ngày nay, với sự phổ biến rộng rãi của giáo dục trực tuyến, việc ôn thi đã trở nên vô cùng dễ dàng. Nếu không học ở trường, HS vẫn có thể đăng ký các khóa học trực tuyến do giáo viên có trình độ cao và dạn dày kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy để học ở nhà qua internet. Đây là phương thức học tập vừa an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, lại giúp trau dồi cho bản thân năng lực tự học. Các em nên tranh thủ dịp này để thử nghiệm.
Chỉ còn một học kỳ nữa là đến Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, để có thể đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi, các sĩ tử cần lưu ý những điểm gì?
- Tôi muốn phân tích một số sai lầm phổ biến các sĩ tử hay mắc phải trong quá trình ôn thi, làm cho kết quả không đạt được như ý. Thứ nhất, phân phối thời gian ôn luyện các môn thi chưa hợp lý. HS thường có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho môn học mình yêu thích. Điều này là sai vì môn học yêu thích thường là môn có thành tích học tập ở mức cao hơn so với các môn còn lại.
Thứ hai là vấn đề cân đối giữa thời gian học kiến thức mới và ôn tập lại bài cũ. Đa số HS thường học quá nhiều nhưng ôn tập rất ít, kiến thức cũ liên tục bị quên đi. Đến một lúc nào đó tốc độ quên sẽ ngang bằng với tốc độ học mới và việc học thêm sẽ không mang lại giá trị mong muốn. Thứ ba, học sinh quá coi nhẹ việc rèn luyện kỹ năng và chiến thuật. Có những kỹ năng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng cực lớn đến kết quả thi nhưng lại không được HS chú trọng đúng mức trong quá trình ôn thi như cách tính toán nhanh và chính xác, phân phối thời gian cho từng dạng câu hỏi, chiến thuật làm bài thi thực sự hiệu quả.
Học kiến thức mới song song với ôn bài cũ
Là chuyên gia phương pháp học tập, ông có thể hướng dẫn cách ôn thi vừa tiết kiệm, nhẹ nhàng nhưng vẫn hiệu quả?
- HS cần phân biệt học tập là công việc kéo dài suốt cả cuộc đời, học thi là ngắn hạn và có tính cấp thiết. Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi, ngoài việc phải trang bị đầy đủ kiến thức nằm trong chương trình thi, HS còn phải hoàn thiện các kỹ năng thiết yếu trong quá trình làm bài. Để có được sự chuẩn bị tốt nhất, đầu tiên, HS xác định được trình tự ưu tiên của các môn học, dành nhiều thời gian hơn cho những môn mà bản thân còn yếu. Tiếp theo, xác lập một nguyên tắc học kiến thức mới phải được tiến hành song song với ôn tập bài cũ. Cuối cùng là rèn luyện để nâng cao các kỹ năng thiết yếu như tính toán, nhận diện nhanh các dạng câu hỏi và nâng cao tốc độ làm bài thi.
Nhiều HS gặp khó khăn khi ôn tập bài cũ vì thời gian mỗi ngày còn lại ít, trong khi khối lượng kiến thức cần ôn ngày càng nhiều. Là giáo viên luyện thi trực tuyến nhiều năm, ông có tư vấn gì cho các em?
- Các em nên áp dụng kỹ thuật ôn tập thông minh bằng phương pháp giãn cách. Theo đó, ngay sau khi học bài mới, các em cần tạo luôn các “thẻ ghi nhớ” để ghi lại những nội dung quan trọng của bài học. Mỗi tiết học thường được tổng kết vào bốn hoặc năm tấm “thẻ ghi nhớ” và chúng sẽ được sử dụng để thay sách, vở ghi trong quá trình ôn tập. Các sĩ tử cần tiến hành ôn tập lặp lại có giãn cách theo thời gian để chuyển kiến thức từ vùng trí nhớ tạm thời sang vùng trí nhớ dài hạn. Đây là kỹ thuật ôn tập rất hiệu quả, đặc biệt cho các HS đang ôn thi THPT Quốc gia.
Xin cảm ơn ông!

Ông Lưu Huy Thưởng – giáo viên Toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI:

Lấp chỗ trống và quét toàn bộ

Tùy thuộc vào nhịp độ học tập, lộ trình học hiện tại, mục tiêu, năng lực của bản thân để HS xác định nội dung và phương pháp ôn tập. Tại thời điểm này, HS có thể áp dụng một số chiến thuật. Đó là lấp chỗ trống: HS xác định các khoảng trống về mặt kiến thức, kỹ năng so với mục tiêu đặt ra, tập trung giải quyết. Chiến thuật quét toàn bộ: HS thử sức với các đề thi thử, để luyện tập kỹ năng, ôn tập kiến thức, làm quen với áp lực thời gian, học các dạng bài mới. Chiến thuật này dành cho những em đã học hết chương trình, mức nhận biết, thông hiểu đã thành thạo.

Ông Đinh Đức Hiền – giáo viên Sinh học, Hệ thống giáo dục HOCMAI:

So sánh kiến thức, luyện đề thi

Với môn Sinh học, lý thuyết chiếm tới khoảng 55% số câu hỏi trong đề thi, bám rất sát sách giáo khoa. Với mỗi chuyên đề sau khi học xong, HS cần tổng kết lại theo dạng sơ đồ tư duy, giúp nắm tổng quát được kiến thức. Để học chi tiết, nhớ lâu hơn, các em có thể sử dụng phương pháp so sánh kiến thức. Bởi trong Sinh học luôn tồn tại các cặp kiến thức, việc so sánh giúp các em nhớ rất chi tiết. Với bài tập tính toán, HS học theo các dạng bài, các cách giải quyết bài toán, làm nhiều ví dụ về một dạng bài, đến khi nhuần nhuyễn rồi mới chuyển sang loại khác. Sau khi đã trang bị kiến thức tổng quát từ đơn giản đến nâng cao, HS bước vào giai đoạn luyện đề, từ nguồn đề thi chính thức đến thi thử.