Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Ba Náo với hồi ức đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mãi đến năm 1974, tức là tròn 10 năm sau, tại “Đại hội mừng công, chiến sĩ thi đua toàn Quân khu Sài Gòn - Gia Định” ở Củ Chi, đồng đội mới biết ông Ba Náo chính là người đánh chìm chiến hạm USNS CARD – niềm kiêu hãnh của hải quân Mỹ năm 1964

Bên tách trà nóng giữa trưa Hè, ông Lâm Sơn Náo (tức Ba Náo, SN 1936, ngụ phường Tân Kiểng, quận 7, TP Hồ Chí Minh) dù đã hơn 80 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in trận đánh chìm chiến hạm USNS của Mỹ cách đây tròn 54 năm tại cảng Sài Gòn.
Cả thế giới loan tin tàu USNS CARD bị đánh chìm
Gia đình có 8 anh chị em, từ nhỏ ông Náo đã được cha mình là thợ xây trong cảng Sài Gòn đưa vào làm thợ điện. Đầu năm 1962, ông Náo được cô ruột giới thiệu với ông Phạm Văn Hai - Đội trưởng Đội 65 Biệt động Sài Gòn – Gia Định. “Sau khi được anh Phạm Văn Hai tiếp nhận, tôi được huấn luyện cách hoạt động hợp pháp, gây dựng cơ sở, nắm bắt các hoạt động trong cảng.
 Ông Lâm Sơn Náo.
Về cảng, tôi gây dựng được những anh em làm chung như anh Nguyễn Văn Cậy (Sáu Cậy, thợ điện), Nguyễn Phú Hùng (Hai Hùng, thợ hồ), Đỗ Toàn (nhân viên Công ty Điều độ cảng, xếp chỗ cho tàu neo đậu) cùng hàng chục cơ sở khác bên ngoài” - ông Ba Náo hồi tưởng.
Từ những báo cáo về hoạt động cảng Sài Gòn, tháng 8/1962, Ba Náo được gọi ra căn cứ nhận nhiệm vụ đánh chìm tàu chở vũ khí, phương tiện chiến tranh nhằm tiêu hao sinh lực địch. Chiều 30/4/1964, Ba Náo được ông Toàn báo tin tàu USNS CARD chở máy bay cập cảng vào ngày 1/5/1964. “Nếu không đánh, những chiếc máy bay kia tiếp tục bắn giết đồng bào, cơ sở cách mạng của ta. Tối 1/5/1964, tôi với Hai Hùng chèo xuồng từ Kênh Tẻ ra sông Sài Gòn hướng qua bờ Thủ Thiêm quan sát. Lúc đó, trên cảng Sài Gòn dày đặc mật vụ, quân cảnh Mỹ, nhiều máy bay trên tàu USNS CARD đã được bốc lên cầu tàu” - ông Ba Náo kể tiếp.
Trong lúc Ba Náo, Hai Hùng chuẩn bị băng xuồng qua cảng, sát bờ Thủ Thiêm có tiếng quát tấp xuồng vào bờ kiểm tra. Gặp phải đám lính bảo an, Ba Náo cho xuồng tấp vào, kể đang đi mua hàng lậu từ tàu Mỹ, lấy hàng xong sẽ “chia phần” nên thoát được đám này. Nhưng vừa ra gần giữa sông lại gặp tàu tuần tra cảnh sát, lần này Ba Náo tốn 500 đồng cùng lời hứa “lại quả” và được đi tiếp.
“Xuồng vào tới gầm cầu cảng, chúng tôi vận chuyển 2 khối thuốc TNT (40kg/khối, kèm theo 2kg C4) buộc tại 2 cọc gỗ cầu tàu. Lúc 2 giờ sáng 2/5/1964 đặt xong mìn, tôi cài cho nổ vào 3 giờ sáng cùng ngày, rồi cả 2 chèo xuồng sang bờ Thủ Thiêm để về. Tàu cảnh sát vẫn chờ đòi chia phần, nhưng kiểm tra không thấy hàng lậu và trước đó đã nhận tiền hối lộ nên để chúng tôi đi. Về đến nhà, 2 anh em cứ nhấp nhổm… chờ.
Bức ảnh ông Ba Náo cùng đồng đội sau khi bị thả xuống TP Biên Hòa.
Đúng 3 giờ sáng, nghe một tiếng nổ long trời lở đất, lúc đó tôi với Hai Hùng mới dám ăn chén cơm. Sáng hôm sau, các đài nước ngoài phát bản tin: Việt Cộng đánh chìm tàu USNS CARD vào lúc 4 giờ ngày 2/5/1964, lỗ thủng khoảng 24m, chết nhiều lính. Khi đó chúng tôi mới dám tin tàu chìm” - ông Ba Náo hào hứng nói.
Sau trận đánh chìm chiến hạm USNS CARD, ông Náo vẫn đi làm bình thường, tiếp tục đánh nhiều trận khác. “Sáng 23/2/1967, tôi đến đường Nguyễn Trãi gặp đội viên phân đội 1 tên Lê Văn Mật để hỏi nhiệm vụ đã giao tuần trước làm đến đâu? Lúc đó mắt thằng Mật cứ láo lia nhìn trước ngó sau. Tôi hơi chột dạ, chưa kịp nghĩ gì thì xuất hiện 4 tên mật vụ xông tới. Tôi cùng chúng vật lộn mất vài phút, cuối cùng tôi bị bắt” - ông Ba Náo kể lại.
Trận đánh xuất sắc nhất của Biệt động Sài Gòn
Bị bắt, ông Náo bị giam tại Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, nhà lao Chí Hòa và bị đưa ra Côn Đảo. Trước những đòn tra tấn dã man của địch, ông Náo vẫn giữ khí tiết người chiến sĩ cộng sản, quyết không khai đồng đội. Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thay vì phải trao trả tù binh công khai, để che giấu tội ác trước công luận quốc tế, chế độ Việt Nam Cộng hòa đã âm thầm dùng máy bay trực thăng chở ông Ba Náo cùng 123 người tù khác thả rải rác một số nơi. Ông Ba Náo cùng vài người bị thả xuống một ngôi chùa ở TP Biên Hòa, được các tăng ni chăm sóc, được cơ sở bí mật đưa về Bệnh viện Phúc Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP Hồ Chí Minh) chữa trị rồi đưa lên căn cứ ở Long Khánh. Giữa năm 1974, ông Náo xin trở lại đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu.

Tại trang 194 sách “Lịch sử lực lượng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” của Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh, viết: “Tàu USNS CARD bị nổ tung, chìm xuống đáy sông. Cơ sở của ta mật báo ra: 120 tên Mỹ chết và bị thương, 24 máy bay các loại bị phá hủy và chìm theo tàu. Tin tức về trận đánh vang dội khắp trong và ngoài nước. Hồ Chủ tịch và Bộ Chỉ huy Miền đã gửi điện biểu dương các chiến sĩ Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Đội biệt động 65 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì. Riêng đồng chí Lâm Sơn Náo được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.

Trận đánh tàu USNS CARD được xếp vào một trong những trận đánh xuất sắc nhất của Biệt động Sài Gòn vì chỉ sử dụng một lực lượng rất nhỏ, nhưng lại tiêu diệt lớn sinh lực và vật chất của địch, bảo toàn được lực lượng và giữ bí mật cách đánh”.