Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông chủ vườn đào hơn 30 năm vớt 501 xác người xấu số

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những xác chết trôi quanh khu vực cầu Nhật Tân (Hà Nội) đều do một tay anh Dũng vớt...

Kinhtedothi - Những xác chết trôi quanh khu vực cầu Nhật Tân (Hà Nội) đều do một tay anh Dũng vớt lên. Hơn 30 năm qua, người được mệnh danh là “cướp cơm” Hà Bá đã đưa lên bờ 501 thi thể từ dưới lòng sông lạnh lẽo.

Đến phường Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội), không ai không biết đến cái tên Nguyễn Văn Dũng - người chuyên làm công việc vớt các thi thể trôi trên sông Hồng. Người đàn ông với mái đầu trọc, nước da ngăm đen cùng chiếc thuyền và vườn đào rộng vút tầm mắt đã coi công việc vớt xác người như cái nghiệp của mình.

Lần đầu tiên vớt xác khi 13 tuổi

Tay vê điếu thuốc lào, ông chủ vườn đào trầm ngâm: “Đây đúng là cái nghiệp mà. Bây giờ muốn bỏ cũng không được. Cũng là cái duyên ông trời tạo, coi như là làm việc thiện cho đời vậy”.
Anh Dũng hơn 30 năm tình nguyện vớt xác người trôi sông (Ảnh: Tuyến Phan)
Anh Dũng hơn 30 năm tình nguyện vớt xác người trôi sông (Ảnh: Tuyến Phan)
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nhật Tân ven sông Hồng nên từ nhỏ, anh Dũng đã bơi lội rất giỏi. Trong một lần chăn trâu ngoài bãi, thấy vật gì đó nổi phập phồng trên mặt sông, anh Dũng tò mò đến gần xem, không ngờ đó là một xác người chết trôi. Cậu bé Dũng khi đó bạo gan nhảy xuống sông kéo cái xác đó vào bờ. “Đấy là lần vớt xác đầu tiên trong đời tôi, lúc đó mới 13 tuổi. Vì được xem bố vớt nhiều xác rồi nên cũng không sợ. Kể từ đó, tôi làm công việc này cho tới tận giờ”- anh nhớ lại.

Sau này anh được phường giao làm bảo vệ trông coi khu vực trồng đào ven sông nên cũng vớt nhiều xác hơn. Mỗi lần vớt được một người, anh lại gạch một gạch lên cột nhà, cứ như vậy, trong hơn 30 năm qua, anh đã vớt được 501 thi thể. Anh nói: “Các chú ở trong thành phố thấy lạ chứ chúng tôi sống ở ven sông, gặp người chết trôi là chuyện bình thường. Vào tầm tháng 4 trở đi, mùa nước lên, thậm chí ngày nào cũng có người chết trôi”.

Người bình thường chết 2-3 ngày quần áo vẫn lành lặn nên anh chỉ cần kéo vào bờ. Nhưng có những trường hợp do đã chết nhiều ngày, thi thể bị phân hủy nặng, anh phải dùng chiếu hoặc tấm bạt cuốn người xấu số lại rồi mới đưa được lên bờ.

Anh Dũng nhớ lại vụ chìm đò kinh hoàng vào những năm 1994 - 1995. Hôm đó như được báo mộng, anh dắt trâu ra bãi để cày mấy luống đất từ sáng sớm; vừa ra tới nơi đã thấy quang gánh, thúng, nón... nổi rất nhiều giữa sông. Biết là có chuyện chẳng lành, anh đi thêm một đoạn xuống phía dưới thì phát hiện có rất nhiều thi thể đang mắc ở ven sông. Không ngần ngại, anh đã nhảy xuống và đưa toàn bộ những thi thể đó lên bờ, tổng cộng lần đó anh vớt được 29 xác chết. Đó là lần tai nạn thương tâm nhất, cũng là lần vớt được nhiều xác nhất trong đời của anh.

Mỗi lần vớt được xác người chết, anh đều trình báo lên phường để công an tiến hành lập hồ sơ và thông báo tới các gia đình có người thân gặp nạn tới để đưa về an táng. Những người xấu số không có ai đến nhận, chính tay anh lại lo chôn cất họ tại miếu Cô Trôi, nằm ở ngã ba đường ra sông. Hiện nay số mộ vô danh tại miếu đã lên tới con số 66.
Chiếc thuyền dưới chân cầu Nhật Tân là nơi anh Dũng trực hàng ngày để phát hiện xác chết trôi sông
Chiếc thuyền dưới chân cầu Nhật Tân là nơi anh Dũng trực hàng ngày để phát hiện xác chết trôi sông
Sau này anh đã kêu gọi được thêm hai người cùng tình nguyện tham gia công việc này với mình. Anh chia sẻ: “Do phải vớt rất nhiều xác, đặc biệt là vào mùa nước, một mình tôi làm không xuể. Tôi với lão Sĩ hàng xóm đây chuyên vớt và đưa các thi thể vào bờ, còn cô Bích thì rửa và thay quần áo cho xác”.

Không bao giờ nhận tiền thù lao

Hơn 30 năm qua, mặc dù đã vớt được vô số thi thể trôi sông nhưng chưa bao giờ anh nhận một đồng tiền công nào của người nhà nạn nhân. Anh tâm niệm rằng, làm việc này là để giúp cho đời, giúp cho những linh hồn bất hạnh dưới sông kia được an nghỉ.

Anh Dương Anh Sĩ, người đồng hành suốt 10 năm qua trong việc vớt xác với anh Dũng cười bảo: “Kể như người ta, nếu nhận thù lao của các gia đình nạn nhân thì giờ đã giàu. Những lão chưa bao giờ nhận của ai một đồng nào. Có chăng thì chỉ là gói bánh, lạng chè. Hồi trước có vụ một cậu sinh viên tự tử và được lão vớt xác, người nhà đến biếu cả chục triệu nhưng lão có lấy đâu”.

Anh Dũng chỉ tay về phía miếu Cô Trôi: “Miếu này có từ thời bố tôi, được xây khi vớt xác người con gái chết trôi đầu tiên ở đây. Tôi chôn những người vô danh ở đó, hàng tháng đến mồng Một đều thắp hương cả. Mong cho linh hồn họ được siêu thoát”.
Miếu Cô Trôi hiện nay có tới 66 nấm mộ vô danh, anh Dũng đã tự tay và bỏ tiền túi ra để chôn cất cho họ.
Miếu Cô Trôi hiện nay có tới 66 nấm mộ vô danh, anh Dũng đã tự tay và bỏ tiền túi ra để chôn cất cho họ.
Điều đáng cảm phục là anh đều tự bỏ tiền túi của mình để lo việc an táng cho những con người xấu số. Khi xưa còn nghèo đói thì chỉ manh chiếu cuốn xác, nay do điều kiện kinh tế khá hơn, mỗi lần chôn cất anh đều đặt mua quan tài cho từng người.

Không chỉ vậy, anh còn để dành tiền tậu hẳn một chiếc ca-nô nhằm phục vụ cho việc vớt xác trên sông. Từ khi có chiếc ca-nô này, công việc được tiến hành dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Anh Dũng phấn khởi: “Được cái tôi làm công việc này vợ con đều ủng hộ, nhất là vợ, thấy tôi làm việc thiện cho đời cũng vui và tự hào lắm. Mỗi lần tôi đi vớt xác, vợ đều chuẩn bị dụng cụ cho tôi. Đứa con gái lớn làm y tá cũng ủng hộ bố hết mình”.

Tiếng lành đồn xa, đã có hàng trăm gia đình tới đây nhờ sự giúp đỡ của anh khi người nhà gặp nạn. Các cán bộ công an quận cũng thường xuyên nhận được sự phối hợp của anh trong việc tìm kiếm các nạn nhân xấu số.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân - xác nhận: “Việc anh Dũng nhiều lần vớt được xác người trôi sông là có thật, chính quyền và người dân ở đây ai cũng biết điều đó. Nhờ có tấm lòng của anh ấy nên nhiều gia đình đã tìm được người nhà của mình. Hiện nay chúng tôi đã phân công Dũng làm hội viên của Hội Chữ thập đỏ phường, đồng thời phụ trách đội cứu hộ cứu nạn ven sông, hàng năm đều trao giấy khen cho những thành tích xuất sắc của anh”.