Ông Jonathan Hạnh Nguyễn "hiến kế" thu hút tri thức trẻ về Việt Nam khởi nghiệp

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện đang có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

"Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam,” kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn Thế giới lần 4 và Diễn đàn Tri thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài sáng 22/8.

Là một kiều bào có nhiều đóng góp trong công phát triển đồng hành cùng đất nước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định: thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ.  

Sự dịch chuyển tri thức từ nước ngoài về Việt Nam

Cũng chia sẻ tại Hội nghị, ông cho biết, bản thân vui mừng khi gần đây nhiều các bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài.

"Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển,” ông nhấn mạnh.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn phát biểu tại Hội nghị. 
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn phát biểu tại Hội nghị. 

Theo ông, để thu hút hơn nữa nguồn lực tiềm năng này, chính phủ nên có chiến lược khuyến khích sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

Theo đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện hơn nữa để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước… 

Mặt khác, ông cũng đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam hơn nữa, trong đó bao gồm việc xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

Phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực

Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệ thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên cần quy hoạch các "cụm công nghệ" với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các startup công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức và hợp tác nghiên cứu.

Trong bối cảnh đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng cần có thêm cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Chúng ta nên có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ, đầu tư mạo hiểm vì đó là những thành tố chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giúp cho những người sáng tạo thuận lợi trong việc tạo ra các công nghệ mới và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đó,” ông cho biết. 

Các kiều bào tham dự Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Các kiều bào tham dự Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Mặt khác, theo doanh nhân này, Việt Nam cũng cần có các cơ chế hỗ trợ kết nối các hệ thống cửa hàng bán lẻ của kiều bào tại nước ngoài để trưng bày và bán các sản phẩm Việt, nhằm nâng cao vị thế thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế...

Hơn 400 kiều bào đang tham dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn Thế giới lần 4 và Diễn đàn Tri thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài ngày 22/8 tại Hà Nội. 

Diễn đàn sẽ là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo…

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 4 có 4 phiên chuyên đề diễn ra song song vào chiều nay gồm “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”, “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước”, “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”, “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”.