"Ông lớn" có giải pháp công nghệ nông nghiệp đột phá tiếp cận thị trường Việt Nam

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua một giai đoạn thử thách, 9 doanh nghiệp trong và ngoài nước có giải pháp công nghệ nông nghiệp đột phá sáng tạo đã được Chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp - GRAFT Challenge Vietnam 2021 tuyển chọn để triển khai các hoạt động hỗ trợ tiếp cận thị trường Việt Nam.

GRAFT Challenge Vietnam được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp triển vọng trên toàn cầu tiếp cận thị trường Việt Nam, đưa công nghệ vào ứng dụng thực tiễn và giải quyết những thách thức cấp bách nhất của ngành nông nghiệp thực phẩm. Chương trình được tài trợ bởi Chính phủ Australia thông qua Chương trình Aus4Innovation kết hợp với Bộ KH&CN Việt Nam.
Công nghệ quản lý trang trại nuôi tôm của Jalatech đã được ứng dụng tại các trang trại nuôi tôm ở Indonesia.
Chương trình năm nay đã nhận được các giải pháp đột phá từ các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp đến từ 16 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Israel, Australia, Ấn Độ và Thái Lan, Indonesia. Các giải pháp công nghệ được lựa chọn rất đa dạng, từ ứng dụng công nghệ Internet-vạn-vật (IoT) tích hợp để cải thiện chất lượng nước trong hệ thống nuôi trồng thủy sản, các giải pháp vi sinh vật thân thiện với môi trường để quản lý sức khỏe cây trồng, cho tới các hệ thống giám sát và kiểm soát vi khí hậu để tăng cường tính an toàn và tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi. 
Tất cả các doanh nghiệp đăng ký tham dự chương trình GRAFT đều đã ở giai đoạn trưởng thành và đang tăng trưởng doanh thu, hoặc đã tốt nghiệp một chương trình tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu và đã kêu gọi được vốn đầu tư. Gần 50% số doanh nghiệp được chọn là các doanh nghiệp do phụ nữ sáng lập hoặc tham gia lãnh đạo.
Công nghệ của Listenfield sử dụng ảnh chụp từ máy bay không người lái (UAV) và thị giác máy tính (computer vision) để quản lý chính xác số lượng và sức khỏe cây trồng.
 
Trưởng đại diện Challenge Vietnam Justin Ahmed cho biết, năng lực của các doanh nghiệp tham gia năm nay vượt xa cả kỳ vọng vốn đã rất cao. Các giải pháp đều đã sẵn sàng ứng dụng trên thị trường. Điều này sẽ giúp rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp thực phẩm hàng đầu Việt Nam giải quyết những thách thức khó khăn nhất mà họ đang gặp phải.
Trước khi khởi động và phát động kêu gọi các giải pháp đổi mới sáng tạo, GRAFT Challenge Vietnam đã hợp tác với các nhóm công tác ngành liên quan như trồng trọt, thuỷ sản và chăn nuôi, gồm các doanh nghiệp kinh doanh nông sản hàng đầu tại Việt Nam để xác định những thách thức riêng mà mỗi nhóm ngành phải đối mặt.  Nhiều thách thức trong đó liên quan tới rủi ro do khí hậu đối với quá trình sản xuất, cải thiện hiệu quả chi phí thức ăn chăn nuôi, giảm thất thoát sau thu hoạch và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng.
Theo Giám đốc Chương trình Aus4Innovation Tom Wood, sự thành công của chương trình GRAFT trong việc lựa chọn những doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp hàng đầu mang lại cho Au4Innovation niềm tin mạnh mẽ hơn với quan hệ hợp tác công - tư trong chương trình này. Thực phẩm và nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động hỗ trợ phát triển của Chính phủ Australia tại Việt Nam, và tin rằng những doanh nghiệp được chọn này có tiềm năng thúc đẩy một làn sóng đổi mới sáng tạo tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ứng dụng trên điện thoại di động dành cho đơn vị thu mua/thương lái, đơn vị chế biến hoặc bán buôn bán lẻ nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm trồng trọt, một trong những giải pháp công nghệ của Koltiva.
Giám đốc MBI Innovation Phan Vinh Quang cũng chia sẻ, Ban tổ chức chương trình rất vui mừng khi nhận được số lượng lớn đơn đăng ký với các giải pháp kỹ thuật số và định hướng phân tích dữ liệu cho những bài toán năng suất còn tồn tại ở Việt Nam. Chúng tôi rất mong đợi được hợp tác với các doanh nghiệp này để triển khai những giải pháp phù hợp cho thị trường Việt Nam.
“Các giải pháp phần mềm độc quyền được các doanh nghiệp tiên phong sử dụng sẽ có khả năng ứng dụng ngay lập tức để đánh giá chất lượng thực phẩm, hiệu quả chuỗi cung ứng và quản lý dự án nông nghiệp tại Việt Nam” -  Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA) Nguyễn Đức Tùng cho biết thêm.
Trong tháng 8 này, 9 doanh nghiệp được chọn sẽ bắt đầu khóa hỗ trợ chuyên sâu kéo dài 15 tuần của chương trình GRAFT. Các doanh nghiệp sẽ được kết nối và nhận được những tư vấn từ mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, những người sẽ đưa ra đánh giá kỹ thuật chi tiết về những giải pháp công nghệ khi áp dụng tại thị trường Việt Nam. Chương trình sẽ kết thúc với một chuyến khảo sát thực tế và kết nối hợp tác kéo dài một tuần với các tập đoàn nông nghiệp Việt Nam.

Năm 2021, Chương trình được tổ chức bởi Beanstalk, một cơ quan sáng tạo đổi mới của Australia, hợp tác với Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS), và Mekong Business Initiative for Innovation Challenges (MBIIC). 9 doanh nghiệp công nghệ được chọn bởi GRAFT Challenge Vietnam 2021 gồm: AgNext Technologies (Ấn Độ), CropIn (Ấn Độ), EveryPig (Mỹ), Công nghệ Hillridge (Australia), JalaTech (Indonesia), Koltiva (Indonesia), ListenField (Thái Lan), Sufresca (Israel), Tepbac (Việt Nam).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần