"Ông lớn" Nhà nước để mắt Vietinbank, lãnh đạo Seabank mạnh tay tăng sở hữu

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến trái chiều của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng như thông tin liên quan đến hoạt động của một số ngân hàng đang gây chú ý.

Sau 4 phiên liên tiếp tăng điểm, thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối tuần trong sắc đỏ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/8, VN-Index giảm 1,41 điểm (0,11%) về 1.252,74 điểm, HNX-Index tăng 2,17 điểm (0,73%) lên 299,9 điểm, UPCoM-Index tăng 0,45 điểm (0,5%) đạt 91,32 điểm.

Bà Nguyễn Thị Nga đã mua 2,8 triệu cổ phiếu SSB.
Bà Nguyễn Thị Nga đã mua 2,8 triệu cổ phiếu SSB.

Thanh khoản thị trường ghi nhận sự trái chiều khi khối lượng giao dịch tăng vọt lên hơn 873 triệu đơn vị, trong khi giá trị giao dịch ở mức 18.200 tỷ đồng. 

Áp lực điều chỉnh rõ nét khi sắc đỏ thắng thế tại rổ VN30. Hai cổ phiếu "họ Vingroup" VIC, VHM và các mã vốn hóa lớn gồm MSN, VCB, HPG là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm. Trong khi đó, ở chiều ngược lại NVL, SSI, HVN góp phần nâng đỡ thị trường.

Sự phân hoá cũng diễn ra khá mạnh mẽ nếu xét theo nhóm ngành. Trong khi nhóm ngân hàng, thép quay đầu điều chỉnh, nhóm chứng khoán, bất động sản, dầu khí lại bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt, nhóm ngân hàng điều chỉnh và nhiều đại diện góp mặt trong top cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường. 

Cổ phiếu chứng khoán lấy lại sự tích cực về cuối phiên với APG, VIX tăng trần, DSC, BMS, MBS, CTS tăng trên 5%. Cổ phiếu của ông lớn SSI cũng tăng 5,3% lên 24.800 đồng/cp và trở thành mã có giá trị giao dịch cao thứ 2 trên thị trường.

Diễn biến tích cực cũng xuất hiện tại nhóm cổ phiếu bất động sản khi sắc xanh bao phủ. Theo đó, những mã mang tính đầu cơ cao như CEO, DIG, L14 đều có mức tăng trên 3,5%.  

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tỏa sáng với nhiều mã bứt phá mạnh mẽ. Nổi bật nhất là PVD khi tăng hết biên độ, PVT, PVS, PVC cũng ghi nhận mức tăng khá tốt trên 2%. 

Trong phiên 5/8, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng phân hoá rõ nét. Góp mặt trong nhóm những cổ phiếu tác động tích cực lên VN-Index phải kể đến CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank). Chốt phiên, CTG tăng 0,52% lên mốc 29.000 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có gần 3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Tính chung 1 tuần qua, CTG đã hồi phục đáng kể khi giữ được mức tăng 6,62%.

Liên quan đến mã chứng khoán này, mới đây, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu dự án đầu tư mua cổ phần tăng vốn VietinBank (CTG). Hiện, kế hoạch chào bán cổ phiếu tăng vốn của VietinBank chưa được tiết lộ. Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn thêm gần 5.700 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Lần gần nhất nhà băng này huy động vốn từ cổ đông là năm 2013.

Hay một cổ phiếu khác thuộc nhóm ngân hàng cũng được gây chú ý phiên này chính là SSB. Trái với CTG, mã này chìm trong sắc đỏ hầu như toàn phiên. Kết phiên, SSB giảm 0,63% về mốc 31.550 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch toàn phiên cũng chỉ đạt hơn 1.8 triệu đơn vị. 1 tuần qua SSB cũng đã giảm nhẹ với mức giảm gần 1%.

Một thông tin khá đáng chú ý liên quan đến SSB là Phó chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank - SSB) Nguyễn Thị Nga đã mua 2,8 triệu cổ phiếu SSB trong ngày 4/8 theo phương thức thoả thuận, tăng số cổ phiếu nắm giữ lên hơn 68,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3,4%.

Con gái bà Nga là Lê Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch SeABank cũng đang nắm giữ hơn 47,5 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu 2,4%.

Sau giao dịch thành công, tổng số cổ phiếu bà Nga và những người thân, công ty liên quan đang sở hữu hơn 332,8 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 16,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của SeABank.

Vào giữa tháng 7, con gái bà Nga là Lê Thu Thủy thôi giữ chức tổng giám đốc nhà băng sau 3,5 năm lãnh đạo (hiện vẫn là Phó chủ tịch). Thay vào đó, Phó Tổng giám đốc nước ngoài Faussier Loic Michel Marc được bầu phụ trách điều hành ngân hàng.