Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi. Trong khi các hình thức kinh doanh truyền thống hứng chịu sự đứt gẫy nặng nề thì bán hàng trực tuyến đã và đang trở thành những giải pháp hiệu quả nhất cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp những khó khăn trong chuyển đổi số và thiếu kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Vì thế, thời gian qua, hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương kết nối, bán hàng trực tuyến, tiếp cận với khách hàng tiềm năng đã được các “ông lớn” TMĐT triển khai.
Nằm trong chuỗi các hoạt động xoay quanh sự kiện “Siêu hội tiêu dùng 15.3”, nền tảng TMĐT Shopee đã tổ chức nhiều hoạt động đồng hành cùng các nhà bán hàng, cổ vũ doanh nghiệp chuyển đổi số và xây dựng lộ trình kinh doanh hiệu quả trên sàn TMĐT.
Theo đó, doanh nghiệp này phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức chuỗi tọa đàm về kinh doanh trên sàn TMĐT. Đây là sáng kiến nhằm hưởng ứng ngày “Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam 2022'' với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” do Bộ Công Thương phát động.
Shopee cũng cùng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) giới thiệu nhiều chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp địa phương, bao gồm các chương trình huấn luyện kinh doanh, gia tăng hiển thị trên nền tảng kinh doanh online và khuyến mại kích cầu mua sắm... Chương trình lần này hướng đến mục tiêu phổ cập TMĐT để chuyển đổi số và cải thiện hiệu quả kinh doanh, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, đảm bảo nguyên tắc 3A (An toàn lựa chọn, An toàn tiêu dùng, An toàn thanh toán).
Ngoài ra, Shopee sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch phục hồi sau các tác động của Covid-19 bằng hoạt động quảng bá và tiếp cận khách hàng tiềm năng; Đồng thời gia tăng chương trình khuyến mại nhằm mang đến cho người dùng những dịch vụ du lịch ở lĩnh vực lữ hành, khách sạn, ẩm thực, mua sắm, vui chơi và vận chuyển với giá ưu đãi. Đây được xem là hoạt động thiết thực nhằm tiếp nối cho chương trình “Sàn giao dịch du lịch điện tử” mà Shopee đã thực hiện vào cuối năm 2021.
Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp đã gặt hái thành công khi đẩy mạnh hoạt động kênh bán hàng qua các sàn TMĐT. Đơn cử, trên Alibaba.com, các DN thuộc những lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, thực phẩm, nhà và làm vườn, may mặc… đã tìm kiếm được rất nhiều cơ hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nền tảng này ghi nhận doanh thu 5 triệu USD (tương đương 114 tỷ đồng) đến từ ngành hàng nhà và làm vườn thông qua xuất khẩu trên TMĐT. Hay một công ty thuộc lĩnh vực đóng gói đã mở rộng thị trường xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia chỉ nhờ việc áp dụng TMĐT vào kinh doanh.
Bà Bùi Hồng Hạnh - CEO Công ty Legendary Việt Nam cho biết, các sàn TMĐT là nơi nhanh nhất để nhà sản xuất tương tác với khách hàng. Từ feedback của khách hàng, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, thay đổi nhà xưởng, xây dựng phòng lab kiểm tra tiêu chuẩn vi sinh, đổ tiền vào máy móc để giảm quá trình thủ công và nhân công trong sản xuất; đầu tư mạnh hơn cho marketing, quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh…