Ông Macron có bước đi mạo hiểm...

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bước đi “được ăn cả, ngã về không” khi bất ngờ giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm do thất bại của đảng Phục Hưng trung dung của ông trước đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Kết quả là Đảng RN của cựu ứng cử viên Tổng thống Marine Le Pen đã dẫn đầu với khoảng 34% số phiếu bầu, tiếp theo là liên minh các đảng cánh tả, với khoảng 28% số phiếu bầu và liên minh trung dung của Tổng thống Macron ở vị trí thứ ba, với 21% phiếu bầu.

Dù kết quả chính thức ngày 8/7 mới có, tuy nhiên bức tranh phe cực hữu trên đà giành được đa số trong cơ quan lập pháp đang dần hiện rõ. Điều đó đồng nghĩa cuộc tổng tuyển cử toàn quốc sẽ chọn ra Thủ tướng tiếp theo. Vòng thứ hai và cũng là vòng cuối cùng của cuộc bầu cử, bao gồm các vòng loại ở các khu vực bầu cử riêng lẻ, sẽ diễn ra vào ngày 7/7.

Canh bạc

Quyết định mạo hiểm của ông Macron về việc kêu gọi bỏ phiếu - cuộc bầu cử nhanh chóng đầu tiên kể từ năm 1997 - được đưa ra ngay sau khi phe cực hữu ngày càng có tiếng nói trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và nhằm mục đích ngăn chặn sự trỗi dậy của phe cực hữu, điều mà ông Macron coi là mối đe dọa đối với tương lai của nước Pháp.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao gần gấp rưỡi so với cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua - nhưng kết quả vẫn cho thấy sức mạnh của phe cực hữu ngày càng rõ rệt. Cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo dự kiến ​​diễn ra vào năm 2027; ông Macron sẽ không thể tái tranh cử.

Kết quả bầu cử Quốc hội có thể dẫn đến sự không chắc chắn trên chính trường Pháp trong nhiệm kỳ 3 năm còn lại của Tổng thống Macron. Hiện tại, liên minh cầm quyền sắp mãn nhiệm của ông Macron nắm 245 ghế trong Quốc hội và mỗi khi muốn thông qua luật, liên minh phải tìm kiếm thêm sự ủng hộ để đạt đa số.

Nếu kết quả bầu cử sắp tới đem lại đa số ghế cho đảng RN, điều này đồng nghĩa với việc ông Macron phải bổ nhiệm một Thủ tướng và nội các từ đảng đối lập, từ đó sẽ gây khó cho Tổng thống trong việc thông qua chính sách.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP

Hiến pháp của Pháp có sự phân công nhiệm vụ giữa Tổng thống và Thủ tướng. Theo đó, Tổng thống sẽ đảm nhiệm các vấn đề đối ngoại, trong khi Thủ tướng sẽ quản lý các vấn đề đối nội và quốc phòng.

Việc Tổng thống và Thủ tướng từ hai đảng khác nhau cùng điều hành có thể gây ra khó khăn trong việc thực thi luật và thông qua ngân sách do khả năng khác biệt trong quyết định chung. Ví dụ, ông Macron có thể phủ quyết luật mà Quốc hội do phe đối lập chiếm đa số thông qua, ngược lại, chính phủ của phe đối lập có thể không thực hiện một số sắc lệnh của Tổng thống.

Nhân tố mới

Jordan Bardella, lãnh đạo đảng cực hữu - người có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Pháp, đã lặp lại những cam kết cơ bản kể từ khi cuộc bầu cử sớm được tổ chức. Đó là những nỗ lực của ông trong việc giảm tình trạng nhập cư, cắt giảm thuế và trấn áp tội phạm.

Trong số các kế hoạch của ông Bardella có việc tước bỏ quyền tự động có quốc tịch Pháp ở tuổi 18 đối với trẻ em sinh ra ở Pháp đối với cha mẹ không phải là người Pháp; chấm dứt điều trị y tế miễn phí cho những người không có giấy tờ, trừ trường hợp khẩn cấp; và hạn chế những công dân có hộ chiếu thứ hai đảm nhận những công việc được coi là nhạy cảm, như điều hành một nhà máy hạt nhân và làm việc trong lĩnh vực quốc phòng “chiến lược”. Ông cũng muốn cắt giảm thuế bán hàng đối với tất cả các dạng năng lượng, từ nhiên liệu đến điện.

Song dù ngay cả một số biện pháp vẫn nhất quán nằm trong kế hoạch của ông - chẳng hạn như tước bỏ một số quyền công dân tự động - cũng có khả năng vấp phải sự phản đối từ Tổng thống Emmanuel Macron và hội đồng hiến pháp của Pháp.

Trong những năm tiếp theo, ông Bardella đã cam kết sẽ thực hiện nguyên lý lâu đời của đảng về “ưu tiên quốc gia” - mang lại cho công dân Pháp sự đối xử ưu đãi hơn người nước ngoài đối với một số công việc, phúc lợi hoặc trợ cấp nhất định của chính phủ.

Rémi Lefebvre, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lille, cho biết: “Họ sẽ gặp khó khăn khi thực hiện một số chương trình nghị sự”.

Hiện cũng chưa rõ liệu chính trị gia 28 tuổi này có trở thành thủ tướng tiếp theo của Pháp hay không. Đảng của ông và các đồng minh đã giành được khoảng 33% số phiếu phổ thông cho Quốc hội gồm 577 ghế trong cuộc bầu cử hai vòng đầu tiên vào Chủ nhật tuần trước. Nhưng chỉ có 38 ứng cử viên của họ giành được ghế hoàn toàn.

Hầu hết những người còn lại sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu quyết định thứ Hai vào ngày 7/7 và một phong trào toàn quốc đã được xây dựng trên khắp đất nước để ngăn họ giành được đa số tuyệt đối.

Vấn đề dễ xung đột

Để “trả lại tiền vào ví” người dân Pháp, trọng tâm trong cam kết của ông Bardella là cắt giảm đáng kể thuế bán năng lượng của nước này. Khi trao đổi về phương thức thực hiện để bù vào khoản đó - được Bộ Tài chính ước tính khoảng 17 tỷ euro (khoảng 18,2 tỷ USD) - ông Bardella đã đưa ra một kịch bản, bao gồm cả việc cắt giảm khoản cung cấp của Pháp cho Liên minh châu Âu 2 tỷ euro.

Trong vấn đề này, ông rất có khả năng xung đột với ông Macron - vốn ủng hộ mạnh mẽ Liên minh châu Âu, chuyên gia Lefebvre dự đoán.

Giới phân tích nhận định, một số chính sách của ông Macron tại EU như kết nạp thêm thành viên vào liên minh, viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga,... có thể bị phe đối lập cản trở.

Bên cạnh đó, một số chính sách kinh tế và xã hội của phe đối lập có thể không phù hợp với khuôn khổ hiện tại của pháp luật EU. Có quan điểm lo ngại rằng chính phủ mới ở Pháp sẽ noi gương Hungary và Hà Lan bằng cách chọn không tham gia một số chính sách của châu Âu, bao gồm cả chính sách về nhập cư và mua sắm quốc phòng. Những vấn đề này thực sự đáng lo ngại cho EU khi khối này đang chuẩn bị bước vào quá trình chuyển giao quyền lực vào mùa Thu năm nay.

Eulalia Rubio, nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề kinh tế châu Âu tại Viện Jacques Delors ở Paris, lưu ý cuộc đàm phán về ngân sách nhiều năm tiếp theo của Liên minh châu Âu sẽ bắt đầu vào năm tới.

“Pháp luôn là quốc gia có tầm nhìn về ngân sách lớn hơn cho Liên minh châu Âu. Ông Macron từng yêu cầu tăng gấp đôi chi tiêu cho EU” - bà Rubio cho biết.

Theo CBS News, trong bối cảnh Đức những năm gần đây ngày càng vướng vào các vấn đề trong nước, Pháp đã tự mình đảm nhận nhiều hơn các nhiệm vụ đối ngoại của liên minh. Tổng thống Macron coi vai trò của Pháp trong chính trị quốc tế là tất yếu và ông nhiều lần thể hiện mong muốn lên tiếng với tư cách là quốc gia hàng đầu EU.